Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ - Lòng trung hiếu với Nhà Tây Sơn

Thứ hai - 25/09/2023 20:08 231 0
Triều Tây Sơn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đã đánh dấu móc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Phong trào Tây Sơn mà tiêu biểu là người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, vị anh hùng bách chiến, bách thắng đã lập nên những chiến công hiển hách, đánh Nguyễn, diệt Trịnh xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước trên 200 năm, đánh tan 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút và 29 vạn quân Thanh lập nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.
Nhắc đến sự nghiệp lẫy lừng của Nhà Tây Sơn không thể không nhắc đến các văn thần, võ tướng từng vào sinh ra tử, hết lòng trọn nghĩa vẹn tình, hy sinh đến phút cuối cùng vì vận mệnh dân tộc, vì lòng quả cảm và trung hiếu. Bằng chính sách chiêu hiền đãi sỹ, tầm nhìn xa trông rộng của một vị minh quân, vua Quang Trung đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của mình nhiều bậc hiền tài, mưu lược, trí dũng như: Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân…và không thể không kể đến vợ chồng Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ và Nguyễn Thị Dung, một lòng trung liệt, tiết nghĩa cho sự nghiệp nhà Tây Sơn.
Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ (?- 1802), quê ở Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, phủ Quãng Ngãi. Nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi. Theo Gia phả họ Trương, đời thứ 7 có hai người ra làm quan với nhà Tây Sơn. Người anh Trương Đăng Phác (thân phụ của Trương Đăng Quế) giữ chức tri huyện Mộ Hoa, sau thăng hữu tuyên vũ phủ Quãng Ngãi. Người em là Trương Đăng Đồ ra Phú Xuân học, nổi tiếng hay chữ. Năm 1786, Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân, khoảng thời gian đó Ông theo phò Nhà Tây Sơn, lập được nhiều công trạng được vua Quang Trung phong chức Đô đốc, tước Tú Đức Hầu. Ông có vợ là bà Nguyễn Thị Dung người làng Phổ Lạc, nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Bà là người khỏe mạnh, thích cưỡi ngựa múa đao, là tì tướng của Bùi Thị Xuân, giúp rất nhiều trong việc huấn luyện nữ binh và thuần dưỡng voi chiến. Bà được người đời gọi “Tây Sơn Ngũ phụng thư”.
Năm 1792 Hoàng đế Quang Trung băng hà, thái tử Quang Toản lên nối ngôi niên hiệu Cảnh Thịnh. Trương Đăng Đồ phụng mệnh phò Tiết chế Nguyễn Quang Thùy trấn thủ Bắc thành, cai quản vùng đất trọng yếu ở phương Bắc. Tháng 4 năm 1801, kinh đô Phú Xuân thất thủ. Đến tháng 6 năm 1801, sau khi đến Thăng Long, Cảnh Thịnh đổi niên hiệu là Bảo Hưng truyền hịch cần vương đi khắp nơi để chiêu mộ nghĩa sỹ nhằm thực hiện kế hoạch tái chiếm Phú Xuân. Cuối năm 1801, các tướng dưới của vua Cảnh Thịnh ra sức tấn công quân Nguyễn, quân Nguyễn buộc phải triệt thoái vào Đồng Hới (Quảng Bình), dựa vào thành lũy vững chắc ở Trấn Ninh. Tháng 2 năm 1802, vợ chồng Tú đức hầu cùng Nguyễn Quang Thùy và các tướng Tây Sơn tham gia tổ chức phản công quân Nguyễn tại Trấn Ninh, cuộc chiến thất bại buộc phải rút quân. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi niên hiệu là Gia Long, chuẩn bị lực lượng hùng hậu tấn công ra Bắc. Đô đốc Tú và Tiết chế Nguyễn Quang Thùy chặn đánh quyết liệt tại cửa ngõ Thăng Long. Trước tình thế bất lợi như nước vỡ bờ, vợ chồng Tú Đức Hầu hộ giá vua Cảnh Thịnh và Tiết chế Nguyễn Quang Thùy vượt sông Nhĩ Hà chạy ra phía Bắc. Khi đến Xương Giang (nay thuộc Bắc Giang) để ngăn giặc đuổi theo, Nguyễn Quang Thùy cùng Đô đốc Tú Đức Hầu và phu nhân Nguyễn Thị Dung ở lại giữ thành chặn quân đối phương để cho nhà vua có thời gian thoát hiểm.
Trước sức mạnh của giặc, không thể chống nổi, ông bà Tú Đức Hầu phò Nguyễn Quang Thùy chạy về ngả Sơn Tây, đánh lạc hướng không cho giặc đuổi theo vua mà để giặc đuổi theo mình. Đến làng Phượng Nhãn cùng đường, tình thế khó xoay sở, Trương Đô đốc phân trần cùng Phu nhân “Phận tôi phải chết, phu nhân nên tránh về Nam”. Bà thản nhiên trả lời: “Bề tôi chết vì Vua, vợ không thể chết vì chồng sao” vợ chồng Đô đốc Tú tự vẫn, Nguyễn Quang Thùy tự sát, số còn lại đều bị bắt và giải về Thăng Long. Sự ra đi của vợ chồng Đô đốc Tú như một ánh sáng đã vụt tắt trong bóng tối, vương triều Tây Sơn khép lại. Câu nói của ông bà đã minh chứng cho sự tôi trung, lòng yêu nước của bậc trung thần, sự thủy chung của người vợ cùng với chồng trong bước đường cùng không lối thoát. Thật tự hào về một vương triều, một vị minh quân Hoàng đế Quang Trung có những bậc trung thần hết lòng vì nghĩa lớn. Tiết thay vị minh quân đã không còn để được bề tôi phò tá.
Thương bậc trung liệt, ông bà được người dân chôn cất tại miền Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trương Đăng Yến là anh kế Đô đốc Tú đã tiến hành di dời mộ về quê nhà. Trương tộc thế phả có ghi: “… Người đời thương người trung nghĩa chôn cất tử tế tại địa phương. Khi an bình , hài cốt ông bà được rước về an táng tại quê (làng Mỹ Khê Tây) xứ Bàu Trẵn”. Theo gia phả ông bà tuẫn tiết vào ngày 21.6 Âm lịch. Phần mộ được dòng họ tôn tạo, chỉnh trang, có văn bia ghi lại cuộc đời sự nghiệp. Hiện nay, Trương Đô đốc và phu nhân được thờ cùng với người anh là Tuyên vũ Triêm Ân Tử Trương Đăng Phác tại quê xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi.
 
Ảnh mộ vợ chồng Tú Đức Hầu Trương Đăng Đồ tại Sơn Tịnh – Quảng Ngãi
Sự nghiệp của nhà Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng thật vẻ vang và hiển hách, những chính nhân quân tử, những bậc trung thần sẵn sẵng sàng tuẫn tiết, xả thân vì nghĩa lớn, vì vận mệnh của một vương triều, vận mệnh của dân tộc. Một vương triều của dân, vì cuộc sống của dân. Ôn cố tri tân, thế hệ hôm nay mãi tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, tự hào những bậc anh hùng sẵng sàng hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, cùng ra sức xây dựng quê hương đất nước, tiếp bước cha anh, góp phần làm vẻ vang non sống đất nước Việt Nam.
Nhà thờ tổ Trương tộc Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi)

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay145
  • Tháng hiện tại2,364
  • Tổng lượt truy cập40,743
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây