ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC VÀ QUẢN LÝ TƯ LIỆU, HIỆN VẬT  TẠI BẢO TÀNG QUANG TRUNG

Thứ ba - 05/11/2024 19:31 66 0
Công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực Văn hóa nói chung và Bảo tồn, Bảo tàng nói riêng. Theo nhận định của Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO): “Trong lĩnh vực văn hóa, công nghệ truyền thông đa phương tiện đã mở ra những khả năng to lớn để phổ cập hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…”

Công nghệ thông tin đã làm thay đổi căn bản và toàn diện cuộc sống; cách con người làm việc và giao tiếp với nhau, cách hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bắt nhịp chung với xu thế thời đại và sự thay đổi chung của các Bảo tàng trên cả nước. Trong thời gian qua, Bảo tàng Quang Trung không ngừng đổi mới trong mọi hoạt động, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, giáo dục phục vụ khách tham quan và công tác quản lý tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng.
Du khách tải App ứng dụng hỗ trợ tham quan Bảo tàng Quang Trung tại phòng tiền sảnh
 

Bảo tàng Quang Trung đến nay đã trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển. Để xứng tầm với vai trò của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và sự nghiệp nhà Tây Sơn. Năm 2016, Bảo tàng được nâng cấp mở rộng và khánh thành phục vụ khách tham quan.
Cùng với không gian trưng bày truyền thống kết hợp với hiện đại, Bảo tàng đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, giáo dục giới thiệu về phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVIII gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đến với du khách thông qua các tư liệu, hiện vật đang trưng bày.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử thời Tây Sơn. Bên cạnh việc thuyết minh, giới thiệu trực tiếp của viên chức chuyên môn, thì hiện nay tại nhà trưng bày đang sử dụng phần mềm quét mã QR-Code “Ứng dụng hỗ trợ khách tham quan Bảo tàng Quang Trung” của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế và giải pháp công nghệ 3D ART.
Mỗi tư liệu, hiện vật, bộ sưu tập đều gắn mã quét QR giới thiệu về lịch sử, nội dung để du khách có thể tìm hiểu, có thêm nhiều thông tin về tư liệu, hiện vật. Bên cạnh đó, phần quét mã QR theo chủ đề từng phòng trưng bày giới thiệu tiến trình lịch sử phong trào Tây Sơn: Từ bối cảnh lịch sử, nguồn gốc quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn; quá trình tụ nghĩa; đấu tranh chống thù trong giặc ngoài và công cuộc xây dựng đất nước của Vương triều Tây Sơn.
Du khách vào tham quan chỉ cần mở Zalo trên điện thoại và tải App tại phòng tiền sảnh của Bảo tàng, sau đó vào phòng trưng bày quét mã QR trên từng hiện vật là có thể tìm hiểu toàn bộ nội dung lịch sử thời Tây Sơn; phần mềm này ngoài nội dung hiển thị, du khách còn được nghe thuyết minh tự động.
Quét mã QR code tìm hiểu thông tin hiện vật và trải nghiệm thuyết minh tự động

Nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung còn trang bị 6 máy tính để du khách có thể tìm hiểu thông tin, thông qua phần mềm: “Giới thiệu di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên tỉnh Bình Định”, góp phần quảng bá các điểm du lịch tại địa phương.
Trong không gian Nhà trưng bày, còn có phòng chiếu phim tư liệu 3D trên màn ảnh rộng tái hiện 2 trận đánh hào hùng, dưới sự chỉ huy của anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1785) và trận Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử (1789) vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Xem phim tư liệu 3D giúp du khách cảm nhận một cách trực quan sinh động về tinh thần bách chiến, bách thắng của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.
Hệ thống máy tính phục vụ khách tham quan tìm hiểu thông tin về di tích và danh thắng tỉnh Bình Định
Du khách trải nghiệm tìm hiểu thông tin

Để góp phần quảng bá du lịch địa phương, đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn; năm 2023 Bảo tàng Quang Trung đã xây dựng Trang Thông tin điện tử giới thiệu các hoạt động của Bảo tàng để phục vụ công chúng. Du khách dùng điện thoại thông minh vào Google gõ: Baotangquangtrung.com.vn là có thể đăng nhập, tìm hiểu các thông tin về Bảo tàng Quang Trung. Có thể thấy, Trang Thông tin điện tử có vai trò kết nối, tương tác, chia sẻ thông tin nhiều chiều, tạo ra sự thay đổi toàn diện trong quá trình tổ chức và quản lý; giúp cho việc nghiên cứu, học tập, tìm hiểu các thông tin về Bảo tàng Quang Trung trên môi trường mạng một cách nhanh, nhạy, chính xác và kịp thời.
Phòng chiếu phim 3D tái hiện những trận đánh lịch sử của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ
Du khách trong phòng xem phim 3D

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, Bảo tàng Quang Trung còn chú trọng ứng dụng Công nghệ thông tin trong kiểm kê, quản lý tư liệu, hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng Quang Trung đang lưu giữ và trưng bày hơn 11.000 đơn vị tư liệu, hiện vật; ngoài việc lưu giữ hồ sơ, thông tin, dữ liệu hiện vật trên sổ sách thì việc ứng dụng công nghệ số để lưu giữ, quản lý tư liệu, hiện vật trên nền tảng số đang được triển khai thực hiện. Năm 2004, Bảo tàng tiếp nhận và ứng dụng phần mềm Quản lý hiện vật Bảo tàng (Offline) của Cục Di sản Văn hóa. Tuy nhiên, để phù hợp với từng loại hình, đặc trưng Bảo tàng, năm 2022 Cục Di sản Văn hóa đã cung cấp cho các Bảo tàng trên cả nước phần mềm Quản lý hiện vật (Online) nâng cao để thuận lợi cho công tác kiểm kê, quản lý hiện vật. Phần mềm này giúp trích xuất lý lịch hiện vật một cách dễ dàng hơn khi tìm kiếm thông tin về tên gọi, thời gian, niên đại, nội dung lịch sử,…
Ngoài việc sử dụng phần mềm Quản lý hiện vật của Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng còn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu trữ đầy đủ dữ liệu, hình ảnh hiện vật qua môi trường mạng.
Viên chức chuyên môn nhập dữ liệu thông tin hiện vật vào phần mềm Quản lý hiện vật của Cục Di sản văn hoá

Để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với xu thế chung của các Bảo tàng trên cả nước về ứng dụng chuyển đổi công nghệ số; thời gian đến, Bảo tàng Quang Trung tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, áp dụng công nghệ số hóa trong công tác bảo tồn, bảo tàng; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng gắn với phát triển du lịch ở địa phương./.
Góc trưng bày sưu tập tiền đồng thời Tây Sơn

Tác giả bài viết: Nguyễn Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay178
  • Tháng hiện tại3,562
  • Tổng lượt truy cập41,941
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây