La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp với Nhà Tây Sơn

Thứ tư - 13/12/2023 19:41 341 0
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), là người có thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu, kiến thức uyên bác, giỏi văn học, am tường cả thuật phong thủy. Năm Quý Hợi (1743) cụ đi thi Hương đậu Hương giải lúc 20 tuổi. Năm Mậu Thìn (1748), cụ dự khoa thi Hội và đậu Tam trường, nhưng không trúng cách. Cụ trở về ở ẩn và làm thầy đồ dạy học. Cụ được Nguyễn Huệ phong tặng hiệu La Sơn tiên sinh, ba lần viết thư mời ra giúp nước, cụ đã có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực đối với triều đại Tây Sơn và lịch sử nước nhà.
     
Đền thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ở xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh.
 Nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh
 Năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786), vua Lê Hiển Tông già yếu, chúa Trịnh Khải lộng quyền. Ở Đàng Trong, ba anh em nhà Tây Sơn đã lật đổ chúa Nguyễn, đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ tiến ra giải phóng Thuận Hóa - Phú Xuân. Với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn đánh thẳng ra Thăng Long, đập tan tập đoàn chúa Trịnh tồn tại trên hai trăm năm, xóa bỏ giới tuyến sông Gianh chia cắt đất nước. Nguyễn Huệ vào cung tiếp kiến vua Lê Hiển Tông và được phong làm Đại Nguyên soái Phù chính dực vận Uy Quốc công, sau đó được vua Lê Hiển Tông gả con gái là công chúa thứ chín Lê Ngọc Hân và mời ở lại Thăng Long bảo vệ nhà vua và kinh thành, đề phòng Án Đô Vương Trịnh Bồng đang tập hợp lực lượng từ vùng Kinh Bắc quay lại tái chiếm Thăng Long. Ngày 21 tháng 7, vua Lê Hiển Tông sau một thời gian dài lâm bệnh nặng đã băng hà ở tuổi 70. Cháu nội là Lê Duy Kỳ lên ngôi vua Lê, lấy niên hiệu là Chiêu Thống. Tháng tám, sau khi cùng Chiêu Thống an táng vua Lê Hiển Tông về Thanh Hóa, Nguyễn Huệ rút binh về Phú Xuân.
Biết La Sơn Phu Tử là người học rộng hiểu sâu, kiến thức uyên bác, tháng chạp năm đó, Nguyễn Huệ viết thư mời La Sơn Phu Tử ra giúp việc nước, sai hai đình thần, một quan Bộ Binh, một quan Bộ Hình mang thư và lễ vật đến sơn trại đón cụ. Nội dung thư:
“An Nam Đại Nguyên soái, kính gửi La Sơn Phu Tử mở xem:
Đã lâu nay, nghe tiếng Phu Tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc; chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gụi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức ngọa long.
Vậy đặc sai một hai đình thần đem vật mọn đến (vàng năm nén, lụa màu hai tấm), gọi là để tỏ lòng thành thô sơ. May chi, Phu Tử không lấy thế làm lạ, bỏ các nhã thú lâng lâng, nghĩ tới lòng tôi chân thành đau đáu, mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng lấy sự nghiệp Y, Khương.
Không riêng những nước tôi may mắn, mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may. Chớ làm tôi thất vọng, mong 
Phu Tử lượng cho.                                                                                                          Nay kính thư,                                  Thái Đức, năm thứ chín, tháng 12, ngày 18.”  
Nhận được thư, cụ liền từ chối, viết thư phúc đáp và trả thư mời cùng lễ vật. Nội dung thư:   
      “La Sơn, Nguyệt Ao, tiện sĩ Nguyễn Khải Xuyên dâng Đại Nguyên soái xét soi:
Đầu năm nay, ngày mồng 4, tiếp được hai quan Bộ Binh, Bộ Hình của quý quốc đem một phong thư tới đón, và cho vàng và lụa màu. Những ủy khúc rõ ràng. Mở thư cung kính đọc, lời ý đều hiểu hết.
Trộm nghĩ: Tiên sinh nầy tính chất ngu lậu; tài năng, học thuật không có gì hơn người. Chỉ vì có nhiều bệnh, trộm gửi thân ở chốn lâm tuyền. Bình sinh chỉ giảng tập các sách Tứ thư: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử. Còn nhâm, độn, thao lược, binh pháp, võ nghệ đều chưa học. Quý quốc ở xa, mới nghe tiếng đồn về tiện sĩ; còn lẽ bởi đâu và thế nào, sợ chưa biết hết sự thật.
Lễ hậu này, xưa nay chưa thấy; mà lại khứng đưa cho kẻ già yếu ở chốn lâm tuyền! Lòng yêu lành chuộng sĩ ấy, người tầm thường đâu có nghĩ tới.
Tôi xét ra tự thấy có nhiều chỗ thiếu nên cảm mà thẹn thùng khôn xiết. Nhưng lấy nghĩa mà cân nhắc thì tôi không ra có ba lẽ:
Lượng sức, dò phận, trên không dám mong được như Y, Khương; dưới không sánh kịp Gia Cát. Gặp thời tiết gió bụi, nếu ra làm việc thì tay run, chân rối. Rốt cuộc, ắt làm lầm nhà nước, nhục cha mẹ. Không ra, đó là lẽ thứ nhất.  Từ xưa, con đầu không ra làm quan. Huống chi, cha mẹ, anh em tôi đều mất. Nhà thờ, phép nhà, cốt ở một tôi. Không ra, đó là lẽ thứ hai.
Lệ xưa, làm quan bảy mươi tuổi về hưu. Bản triều trọng kẻ già, nên sáu mươi nhăm tuổi đã cho viện lệ xin nghỉ. Đáng về mà lại ra, thì sẽ mang tội rất nặng. Không ra, đó là lẽ thứ ba.
Mang ba điều không tốt, đối với nhà nước không ích được mảy may. Dốt nát, vụng về rất mực. Như thế sao mà xứng với tấm thịnh tình của Đại Nguyên soái.
Đạo thư mời, 5 nén vàng, 2 tấm lụa, tôi nhất thiết không dám nhận; xin kính cẩn gửi cho ông Phan Khải Đức đưa trả y nguyên, để giúp một ít vào phí khao thưởng quân sĩ. Xin Đại Nguyên soái lượng cho.
Tiện sĩ Nguyễn Thiếp xin trả lời.   
         
 Cảnh Hưng, năm thứ 48, tháng giêng, ngày mồng 9 (1787)”.        
Thư đề niên hiệu Cảnh Hưng, đối với niên hiệu Thái Đức là để tỏ ý cụ vẫn là thần tử của nhà Lê, không thể theo Tây Sơn, nên cụ trả thư mời và lễ vật. Còn ba lẽ không ra, cụ kiếm cớ nói khéo để từ chối mà thôi.  
    Năm 1786, sau khi đánh tan lực lượng chúa Trịnh, Nguyễn Huệ rút binh về Phú Xuân, để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Bắc Hà, để tỳ tướng của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Văn Duệ giữ Nghệ An. Nhưng Duệ đã mật thông với Chỉnh, bỏ Nghệ An trốn về Quy Nhơn với Nguyễn Nhạc. Nguyễn Huệ sai Tiết chế Vũ Văn Nhậm ra Nghệ An thay Duệ. Để ổn định tình hình, sắp đặt và dự bị sự cai trị ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ lại viết thư lần thứ hai, triệu La Sơn Phu Tử, sai hai quan trọng thần mang thư và lễ vật ra mời cụ lần nữa. Nội dung thư:  
       “Đại Nguyên soái Tổng quốc Chính Bình Vương, kính gửi thư cho La Sơn Phu Tử xét rõ:  
       Phu Tử là danh sĩ hơn đời; vì định bụng không chịu cùng quả đức hứng khởi thiên hạ, nên mới đặt ra ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế nầy, sinh dân khổ như thế nầy; mà Phu Tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao?      
   Vì thế nên không kể dốt nát, quả đức đã ân cần chú ý tìm mời. Cũng ví như xưa, kẻ tới sông Vị Xuyên thăm hỏi Thái Công, đem xe mời về cùng; kẻ sang đất Nam Dương cố đón Khổng Minh, trú đêm rồi cùng ra. Thánh đức vua Văn Vương, hiền đức ông Huyền Đức còn không cho sự cầu hiền làm nhục mình. Quả đức tuy đâu dám bắt chước Văn Vương, Huyền Đức; nhưng vì công việc nhiều và khẩn cấp, không thân tới mời được. Quả đức rất lấy làm ân hận.      
   Riêng sai hai viên thân tín (viên lưu thủ Danh Phương hầu Nguyễn Văn Phương và viên Binh Bộ Thị lang Giác Lý hầu Lê Tài) mang thư và đem lễ vật (có thư kê riêng) để chực đón.    
     Mong Phu Tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà nhờ, cho đời nầy có người mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi.                                                                                                                               Nay kính thư.   
               Thái Đức, năm thứ 10, tháng tám, ngày mồng 10 (1787).”   
    Nhận được thư và lễ vật lần thứ hai, cụ lại viết thư phúc đáp, không chịu ra và trả lại lễ vật, còn nói “để ngày khác, đứng ngoài và làm một người cố vấn dự bị, thế mới phải hơn”. Nội dung thư:   
      “La Sơn, Nguyệt Ao, tiện sĩ Nguyễn Khải Xuyên, cúi đầu kính cẩn viết thư dâng Đại Nguyên soái Tổng quốc Chính Bình Vương:      
   Mùa xuân năm ngoái, hai quan ở quý quốc đem thư mời và lễ vật lại, chịu khuất mình kính cẩn, mà truyền rõ ý chỉ. Tiện sĩ không dám nhận thịnh lễ ấy và đã kính cẩn đáp thư. Những lẽ không ra được nói đã rất đủ. Mùa thu nầy lại thấy hai quan thân tín đưa thư và lễ vật tới, ân cần truyền ý.     
    Vương Thượng, anh tư tột bậc, khác hẳn người thường. Lòng thành chuộng lành so với Văn Vương, Huyền Đức chẳng hề kém thua.   
      Trộm nghĩ, tiện sinh nầy thô thiển, vụng về, già nua, hèn yếu, đã không có tài Gia Cát, lại không có sức Thái Công.       
  Vương Thượng muốn hậu đãi quá cao. Đối với cái thịnh danh ấy, sự thật khó mà xứng được. Thế đạo, trọng trách ấy sao đủ gánh vác được.  
       Gần đây, mình lại rất suy hèn; thường nghe đau lưng, đau gối. Từ tiện sinh đến cả nhà, không có ngày nào là không thuốc thang. Bối rối thay ! Tự mình cứu mình chưa xong, sao cứu nổi được dân ?
        Mong Vương Thượng thôi đừng nghe lời bàn quá, và để tiện sinh được ở yên cho trọn vẹn. May ra mới di dưỡng được tâm thần, sống thêm chút đỉnh. Để ngày khác, đứng ngoài mà làm một người cố vấn dự bị, thế mới phải hơn.     
    Đã can phạm tới uy nghiêm, nên sợ hãi khôn xiết. Xin Vương Thượng lượng cho, thứ cho. Thế là may. Tiện sinh nhất thiết không dám nhận, cúi đầu kính cẩn mà phúc thư.   
      Có bản riêng, kể những tiền bạc, lễ vật mà tiện sinh nhất thiết không dám nhận, và xin giao cho mệnh quan nộp lại y nguyên.                    
       Chiêu Thống năm đầu, tháng chín, ngày mồng 5 (1787).”   
      Chính Bình Vương Nguyễn Huệ đọc thư phúc đáp, biết cụ tuy sợ oai mình không dám kháng cự, không chịu ra, còn nói để làm cố vấn dự bị. Ông không bằng lòng nhưng càng thêm trọng cụ, lập tức sai viết thư lần thứ ba, rất khẩn khoản, cố nài cụ, sai quan Hình Bộ Thượng thư Thuyên Quang hầu Hồ Công Thuyên mang tới núi:    
     “An Nam Đại Nguyên soái, Tổng quốc Chính Bình Vương kính gửi thư để La Sơn Phu Tử xét rõ:    
     Ngày trước, lần thứ hai, sai sứ thần thay quả nhân tới đón mời Phu Tử. Nay sứ về tâu rằng: Phu Tử từ không ra, bởi vì già yếu.    
     Quả đức buồn và tự phàn nàn và tự ân hận khôn xiết. Nghĩ đi nghĩ lại, những tăng lòng vận hội năm trăm năm trước, năm trăm năm sau sắp tới nơi.       
  Nay thử xét ý Phu Tử, thấy có ba lẽ nầy mà Phu Tử không thèm ra chăng:    
     Anh em quả đức nguyên chỉ trơ trọi là một tụi ấp trưởng, nổi lên ở phương Tây. May mà đánh được tụi yếu và dứt được kẻ hèn, gây dựng nên nghiệp bá. Chưa ắt đã phải là bực chân nhân. Ấy là một lẽ.     
    Từ lúc khởi binh đến nay, thân trải trăm trận, sùng chuộng võ uy. Chưa chắc đã khỏi làm việc bất nghĩa. Giết kẻ vô tội để lấy được đất nước. Ấy là lẽ thứ hai.      
   Mời kẻ hiền, tuy là thành tâm sai sứ đến nhà, nhưng không chịu thân hành đến chào đón. Đối các bực xưa như kẻ chăm chắm ba lần tới đón, như kẻ thành cẩn ba lượt tìm mời thì khác xa. Ấy là lẽ thứ ba.  
       Vì ba lẽ ấy mà Phu Tử không thèm đến. Thật là phải vậy.    
     Nhưng vì gánh lấy việc dân binh nặng nề, công việc xếp đặt rất bề bộn: sự làm đúng hay sai quan hệ không phải là nhỏ. Nên suốt ngày, quả đức không dám rời ra một bước. Đã không thể thân hành tới cửa Tiên sinh mà đón, quả đức rất lấy làm ân hận. Điều ấy không phải là dối, bày đặt ra đâu. Mong Phu Tử, lấy đạo rộng lượng cho thì may lắm.      
   Vả chăng, quả dức sinh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông. Gặp thời thế nầy, bất đắc dĩ phải khởi binh. Những người giúp việc trong nhất thời đều là kẻ chiến đấu mạnh bạo. Trong lúc dùng quân không thể không xâm chiếm tàn phá. Đạo trị dân đại để có nhiều điều làm cứng cỏi và phiền nhiễu. Tuy là tội ở những người ấy, nhưng kỳ thật là vì giúp việc chưa ai. Ấy là tội quả đức chưa biết cầu hiền để giúp đỡ.      
   Kẻ danh thế thỉnh thoảng ra đời. Quả đức hằng nghĩ và mơ tưởng đến. Trong mười lăm năm đến bây giờ, chưa hề phút nào dám quên. Không ngờ nay, trông lên thành Lục Niên có người tài đương ở đó. Ấy là trời để dành Phu Tử cho quả đức vậy. Tuy Phu Tử không thèm tới, nhưng lòng dân đen trông ngóng, Phu Tử ngỡ ngơ lảng được sao ?     
    Lòng cầu hiền, quả đức dám sinh bụng đầu siêng đuôi lảng đâu.  
       Nay riêng sai quan Thượng thư Bộ Hình, Thuyên Quang hầu Hồ Công Thuyên kính cẩn mang thư lại đón. Mong Phu Tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân ra mà dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời nầy được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm.                                                               Nay kính thư.                  Thái Đức, năm thứ 10, tháng 9, ngày 13 (1787).”
        Thư lần này của Chính Bình Vương Nguyễn Huệ thật là thống thiết, lý luận thật chặt chẽ, khéo léo, cho quan Thượng thư thay mặt rất là trọng thể. Nhưng thế nào mặc lòng, cụ vẫn không ra. Mời ba lần mà cụ không ra, không thấy Nguyễn Huệ đòi hỏi gì nữa. Nhưng cụ không ngờ rằng Nguyễn Huệ đã làm việc gì cũng theo đuổi đến cùng.       
  Ba tháng sau khi viết thư mời La Sơn Phu Tử lần thứ ba, Nguyễn Huệ sai Tiết chế Vũ Văn Nhậm từ Nghệ An ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh thua và bị giết. Tháng chạp năm ấy, Vũ Văn Nhậm đóng quân ở Thăng Long, đưa Sùng Nhượng công Lê Duy Cận lên làm Giám quốc, tự đúc ấn riêng, cách đặt bổ dụng người theo ý mình. Nguyễn Huệ được tin Vũ Văn Nhậm có ý muốn tự lập, sợ mưu thông làm phản, nên tháng tư năm sau (1788), Nguyễn Huệ ra Thăng Long giết Vũ Văn Nhậm.    
     Trên đường từ Phú Xuân ra Bắc, Nguyễn Huệ viết thư sai văn binh phiên phó tri phiên Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mời cụ ra đại doanh đóng ở núi Nghĩa Liệt, gần bến Phù Thạch để được gặp mặt:    
     “Gửi thư cho La Sơn Phu Tử được hay:       
  Nay thiên hạ khốn khổ. Không cùng Phu Tử mà cứu gỡ thì không biết cùng ai.       
  Quả đức thân hành qua hạt. Đặc sai quan văn binh phiên phó tri phiên Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại lại vấn an và mời Phu Tử tới, ngõ hầu được nghe lời Phu Tử dạy bảo. Thế là may cho quả đức và may cho thiên hạ lắm.                                     
                                                  Nay gửi thư.                     
              Thái Đức, ngày 18 tháng 3, năm thứ 11 (1788).      Lời thư khiêm tốn, trịnh trọng, tuy vắn tắt và vội vàng nhưng tỏ lòng tôn kính tột bậc của Nguyễn Huệ đối với cụ. Cuộc hội kiến này, sách Gia Phổ chép rằng:  “Huệ tới châu ta, dừng ở núi Nghĩa Liệt, dương võ uy. Ra oai ép cụ phải ra mặt Huệ. Cụ tới, Huệ trách rằng: - Đã lâu nghe đại danh. Ba lần cho tới mời, Tiên sinh không thèm ra. Ý Tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng ? Cụ trả lời: - Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính, thì anh hùng ai lại chẳng theo. Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng, thì lại hóa ra một kẻ gian hùng. Huệ bèn đổi sắc mặt, ngồi dịch ra mà tiếp đãi rất trọng. Cụ ngồi nói chuyện hồi lâu mới về.” Lý do chính vì sao cụ không ra, trong các thư từ không thể bày tỏ được, thì lúc này cụ mới có thể nói ra đễ dàng. Trong cuộc hội kiến này, Nguyễn Huệ có bảo cụ giúp coi địa lý để định lập đô ở đất quê quán mình là xứ Nghệ An. Sau khi giết Vũ Văn Nhậm, cuối tháng năm, Nguyễn Huệ về đến Nghệ An, chưa thấy cụ xem đất cho, Nguyễn Huệ viết thư trách và giục cụ làm việc ấy. Cụ cứ trù trừ không chịu tuân mệnh, vì cụ nghĩ rằng việc dựng đô sẽ làm khổ nhân dân Nghệ An, nên cụ viết thư trả lời, can Chính Bình Vương đừng lập đô ở Nghệ An, viện lẽ phải trái, dẫn chứng cổ nhân mà bàn, viện lẽ địa thế không hợp mà can. Mười ngày sau khi nhận thư cụ, có chiếu trả lời. Lần đầu tiên, thấy cụ đem lời khuyên bảo, vương rất vui, dù lời can làm cản trở công việc và ý định của mình, vui lòng nghe phần nào. Việc xây hành cung ở Phù Thạch chỉ còn đợi cụ, cụ trả lời rằng chỗ Phù Thạch đất hẹp quá, nên việc đóng đô cạnh sông Lam Giang gần làng Phù Thạch và núi Nghĩa Liệt không thành. Khi Nguyễn Huệ về Nam, để Ngô Văn Sở ở lại giữ Thăng Long và Sùng Nhượng công làm Giám quốc, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích làm Thị lang. Vua Chiêu Thống với tùy thần vẫn còn ở vùng Kinh Bắc. Tháng bảy, Hoàng Thái hậu chạy sang nhà Thanh cầu viện. Trước tình thế đó, tháng chín, Nguyễn Huệ viết một tờ chiếu dài với lời lẽ thống thiết, nói hẳn vì sao mà phải bỏ vua Lê, và mượn cụ xem đất đóng đô ở Nghệ An một lần nữa. Nhưng lần này định đóng đô ở xã Yên Trường; làm hành cung ở đó công việc ít nặng nhọc hơn ở Phù Thạch, “đình thần nghị rằng chọn đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam, ngoài Bắc, và sẽ làm cho tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về”. Về sau, “Quang Trung cho xây dựng lâu điện ở dưới chân núi Kỳ Lân và đặt tên là Trung Đô.” (theo Đại Nam chính biên liệt truyện). Đến tháng mười năm ấy (Mậu Thân - 1788), quân Thanh tràn vào biên cương phía Bắc nước ta. Đến ngày 17 tháng 11, Tôn Sỹ Nghị đã đưa Lê Chiêu Thống trở lại Thăng Long. Ngày 20 tháng 11, trấn thủ Bắc Thành là Ngô Văn Sở rút quân về Tam Điệp. Ngày 24 tháng 11, phó tướng Nguyễn Văn Tuyết đã về đến Phú Xuân cấp báo. Ngày 25 tháng 11, Chính Bình Vương lên ngôi Hoàng đế và lấy niên hiệu là Quang Trung tại núi Bân, phía Tây Nam thành Phú Xuân, lập tức hội quân thủy bộ, gấp tiến ra Bắc. Bốn ngày sau, đến ngày 29 tháng 11 đến Nghệ An. Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Ngày 29, Quang Trung tới Nghệ An, vời một người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp đến hỏi rằng: - Quân Thanh lại đây. Ta muốn đem quân ra chống lại. Mẹo đánh và giữ, cơ được hay thua, Tiên sinh nghĩ xem ra làm sao ? Thiếp trả lời: - Nay trong nước trống không, nhân tâm tan nát. Quân Thanh xa đến, không biết tình hình quân ta hèn mạnh thế nào, không biết thế nên chiến thủ thế nào. Chúa công ra đó, không quá mười ngày, quân giặc Thanh sẽ bình được.” Sách Lê quý kỷ sự chép: “Ngày 29, Huệ đến Nghệ An, nghỉ binh. Triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi phương lược. Thiếp nói: - Người Thanh ở xa tới mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp đi thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút, thì khó lòng mà được nó. Huệ mừng lắm, trả lời: - Ông nói chính hợp ý tôi. Huệ bèn ở lại mười ngày, tuyển dân Nghệ An, ba đinh bắt một.” Trong “Nam Phong” số 102 của ông Lê Thúc Thông kể rằng: “Huệ hỏi: - Nghe thầy học tinh lý số, lại hay mưu lược. Nay Tôn Sĩ Nghị nó sang. Thầy nghĩ chước nào?’. Thầy Nguyễn Thiếp thưa rằng: - Quân quý thần tốc. Huệ nói rằng: - Phải, phải, tôi nay ra đánh cho nó chết. Tôi mà dẹp được giặc Tàu xong, thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu. Thầy Nguyễn Thiếp lại thưa rằng: - Chỉ có thuốc bắc phải dùng của Tàu mà thôi.” Các sách trên đều đồng ý rằng chính La Sơn Phu Tử bày mưu nên đánh gấp, rất hợp với ý Quang Trung. Trong thư Quang Trung sai gửi cho cụ, có câu rằng: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành. Tiên sinh chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật.” Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ mà Quang Trung nói trên là lời bàn mưu kế đánh quân Thanh. Nên chúng ta có thể khẳng định cụ đã có công trong việc chiến thắng quân Thanh. Ngày mồng năm tháng giêng đã phá tan quân Thanh. Sau khi ổn định tình hình sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Quang Trung giao công việc Bắc Hà cho hai tướng là Đại Tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân, và hai văn thần là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích rồi trở về Nam. Tháng ba, Quang Trung về đến Nghệ An, lại mời cụ tới bàn quốc sự. Mặc dù bộn bề công việc, thù trong giặc ngoài, đối nội đối ngoại để củng cố xây dựng đất nước, Quang Trung ban bố “Chiếu lập học” và mở khoa tuấn sĩ (khoa thi Hương) ở Nghệ An, mời cụ làm Chánh đề điệu trong kỳ thi năm đó. Sách Dã sử nhật ký chép: “Mùa thu (năm Quang Trung thứ 2 - 1789), Tây Sơn thi học trò ở Nghệ An. Sai Nguyễn Khải Xuyên làm đề điệu”. Chức đề điệu đời sau chỉ coi về việc tổ chức việc thi. Đời Lê, Tây Sơn và đầu Nguyễn, quan đề điệu kiêm cả Chánh chủ khảo. Quang Trung cấp cho cụ thuế xã Nguyệt Ao làm tuế bổng - gọi là lễ ưu lão. Cụ viết biểu nói khéo là trả lại để nộp vào công dụng. Quang Trung nhận biểu lấy làm buồn mà càng thêm trọng cụ, viết chiếu trả lời, trách cụ cố chấp, nên cụ đành phải nhận (Ba năm sau, sau khi Quang Trung mất cụ mới trả lại bổng lộc ấy). Đến lúc trong ngoài yên ổn, Quang Trung lo cách trị dân và tu luyện binh mã để phòng bị, Quang Trung lại nghĩ đến cụ và viết chiếu mời cụ vào Phú Xuân: “Tiên sinh, tuổi đức đều cao, đáng làm tiêu biểu cho đời. Nguyên trước, Tiên sinh tới yết ở Hành tại, mấy phen bàn bạc, bày vẽ rất được hợp lòng Trẫm. Từ sau khi nhung xa về Nam, Trẫm mơ tưởng không dứt. Nay thiên hạ đã bình, kỷ cương đã định. Trẫm đoái trông tới kẻ có đức lớn, tuổi già, rất lấy làm chú ý. Tiên sinh nên vụt dậy, bằng lòng tới đây. Chúng ta sẽ có nhiều điều bàn nghị. Đã ban sức cho Trấn quan liệu đồ hành lý và phu lính, sửa soạn ít nhiều, đơn sơ đón rước Tiên sinh. May mà Tiên sinh không lấy điều hạc oán, vượn khinh làm thẹn, thì khỏi phụ lòng Trẫm rất trọng già, cầu hiền vậy.                                               
                                             Khâm tai ! Đặc chiếu.
 Quang Trung, năm thứ 4, ngày mồng 10 tháng 7 (1791).”     
Ngày 14 thư đến nơi. Lần này cụ bằng lòng vào Phú Xuân, và chịu bàn quốc sự. Cụ làm bài tấu bàn về ba việc mà bậc đế vương nên biết: 1. Quân đức là đức của vua. Vua làm thế nào mới có đức. 2. Dân tâm là lòng dân. Làm thế nào dân mới quy thuận. 3. Học pháp là phép học. Học thế nào mới là chính.      
   Lời tâu như sau:    
     “La Sơn, Nguyệt Ao, tiện thần Nguyễn Khải Xuyên, chắp tay, cúi đầu cẩn tấu:
        Xuyên này trí cạn, thân hèn. May nhờ Hoàng thượng đoái tới. Báo bổ lại không có gì, cho nên lấy làm thẹn vô cùng.    
     Nay vâng chiếu thư, không quản bệnh, gắng tới kinh để đợi lời ban hỏi. Biết gì thì nói, dám đâu giấu ẩn điều gì. Xin lược lấy một vài điều mà bày tỏ, may chi giúp ích được một vài phần:    
     1) Một là bàn về quân đức. Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc vạn sự. Cho nên theo nghĩa quẻ Gia nhân là xét bụng mình. “Hóa được dân Nhị Nam, cốt tại Văn Vương”. Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức. Thượng đức tính chất cao minh, nghị luận lỗi lạc. Liệu việc, lượng người, hơn người ta. Nếu lấy sự học vấn mà tăng thêm tài, thì thật là một đấng ở trước đời Thang, Vũ. Cúi xin từ rày, mở nhà giảng diên; cùng nho thần thảo luận các điển tích. Ban đầu giảng Đại học, rồi đến Luận ngữ, đến Mạnh Tử, đến Trung Dung; sau lại đến Ngũ kinh, chư sử. Tuần tự mà tiến, đọc cho kỹ mà ngẫm nghĩ cho tinh. Như thế thì thánh đức một ngày thêm mới như vua Thang, và làm sáng lòng kính như vua Văn Vương. Lấy sự đó mà tóm cả lòng dân, thi hành ra chính trị, thì không có điều gì làm không phải. Việc thiên hạ muốn chuyển vần dễ như trở bàn tay vậy.    
     2) Hai là bàn về nhân tâm. Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên. Những trấn ở xa, tiện thần ngu hèn không được biết rõ. Duy chỉ ở Nghệ An, đất xấu dân nghèo. Từ trước chỉ phải chịu suất binh chứ không phải nạp tiền gạo. Nay thì binh lương đều phải xuất. Suất lính, đối với sổ bạ năm Nhâm Dần, số càng tăng bội. Nuôi riêng lại càng tốn hơn công thuế. Một người cày, trăm kẻ ăn. Của hết, lực kiệt.  
       Có kẻ đã chịu những suất lính, lại còn phải chịu nộp những đồ vật dụng như vải, củi. Có kẻ nhiều lần bị mùa mất, tất cả ruộng bị bờ bụi ăn lấp. Tuy đã có phen quan trên đến khám đạc, nhưng chưa được cứu giúp, giảm thuế. Cúi xin Hoàng thượng ban chiếu sai quan coi trấn tùy theo sự mất nhiều ít mà lượng giảm xá cho. Kẻ cùng quẫn đã không thể kêu đâu; nhờ thế may chỉ còn sống được.      
   Nhà nước thì võ uy có thừa mà ân trạch chưa ban ra khắp. Tiếng sầu oán rậy đường sá. Tiện thần kể một trấn ra để làm thí dụ. Những trấn khác có thể suy đó mà biết. Dân thường không mến nhớ, lại mến nhớ kẻ có nhân. Lòng người mà quy phụ, tức là bởi mệnh trời. Nay gặp dịp xin chớ để qua.      
   3) Ba là luận học pháp. “Ngọc không chuốt, không thành đồ; người không học không biết đạo.” Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua tập việc học từ chương, cầu công lợi và quên bẵng có cái giáo tam cương, ngũ thường. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá, gia vong; những tệ kia đều ở đó mà ra.    
     Cúi xin từ rày, ban hạ chiếu thư cho trường, phủ, huyện, khiến thầy trò các trường tư, con cháu các nhà văn võ, thuộc lại ở các trấn cựu triều, đều tùy đâu tiện thì đi học.        
Phép dạy nhất định theo Chu Tử. Trước học Tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên, rồi đến Tứ thư, Ngũ kinh, chư sử. Học cho rộng rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm. Họa may nhân tài mới có thể thành tựu; nhà nước nhờ đó mà vững yên. Ấy thật là có quan hệ tới thế đạo nhân tâm đời bấy giờ. Xin chớ bỏ qua.  
       Sự đạo thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình chính và thiên hạ trị.  
       Ấy là mấy sự, thành thật xin hiến. Chẳng quản lời nói vu vơ, cúi trông Hoàng thượng chọn lựa cho.                                                                     Tiện thần Xuyên, cẩn tấu                        Quang Trung, năm thứ 4, ngày mười…, tháng tám (1791).”   
     Cuộc hội kiến ở Phú Xuân với Quang Trung có kết quả rõ ràng là La Sơn Phu Tử cộng tác với triều Tây Sơn. Ít ngày sau, Quang Trung theo lời cụ mà ban chiếu lập Sùng Chính Thư viện ở chỗ cụ ẩn và ban cho cụ làm Viện Trưởng để cải cách sự học. Nhờ cụ tuyển thầy và khuyên dân theo chính học; ban cho cụ hiệu La Sơn tiên sinh và giao cho cụ chuyên coi việc dạy.       
  Kết quả thứ hai là Quang Trung định việc dịch sách Tàu ra tiếng ta (quốc âm) để mình xem và dùng để dạy học. Cụ được quyền tuyển chọn người giúp việc nên cụ đã gọi các học trò để dịch các sách Tiểu học, Tứ thư. Các người giúp việc là Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định và Bùi Dương Lịch. Tháng 5, năm Quang Trung thứ 5 (1792), các sách “Tứ thư” cũng dịch xong, đóng thành 32 tập gửi vào Phú Xuân. Quang Trung đọc lấy làm thích, bèn hạ chiếu khen La Sơn Phu Tử và các người giúp việc, và ban thưởng tiền.     
    Dịch các sách “Tiểu học” và “Tứ thư” chừng sáu tháng mới xong. Thế mà ba kinh “Thi, Thư, Dịch”, Quang Trung chỉ hẹn cho ba tháng phải xong; lại bảo  dịch gấp kinh Thi trước để xem. Có lẽ Quang Trung muốn đọc gấp. Chứng tỏ rằng Quang Trung không chỉ thượng võ mà còn hiếu học. Ngô Thì Nhậm từng nhận xét: “Nguyễn Huệ là người tính trời ham học, dẫu ở trong vòng can qua bận rộn, cũng không quên giảng đạo lý. Ngày thường nghị luận có khi khơi mở ra được lắm điều mà sách vở ngày xưa chưa phát triển được.” (Theo Bang giao hảo thoại).       
  Nhưng tiếc thay, công việc dịch sách đang tiến hành thì Quang Trung đột ngột băng hà ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) vào giờ Dạ Tý (khoảng 11 đến 12 giờ khuya); tức ngày 16/9/1792. Lúc báo tang Quang Trung mất, cụ cùng các quan ở Nghệ An làm lễ bái vọng ở Trấn Dinh. Vào khoảng tháng mười mới ninh lăng. Tháng sau, cụ xin trả lại bổng lộc Quang Trung đã ban cấp - sưu thuế dân làng xã Nguyệt Ao. Viện Sùng Chính bãi, và cụ quay về ở ẩn trên núi Bùi Phong.       
  Năm Canh Thân (1800), triều Tây Sơn rơi vào cảnh hỗn loạn, đại thần giết nhau, quân dân nghi hoặc. Quang Toản rất lấy làm lo, hạ chiếu bảo Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận tới mời Nguyễn Khải Xuyên vào triều yết kiến. Lễ rất hậu, gồm: 5 tấm đoạn màu huyền, 5 tấm đoạn màu lam, vàng mười tuổi 5 dật (100 lạng), 100 quan tiền, 100 hộc lúa.     
    Sách Dã sử nhật ký chép: “Vàng, bạc, đoạn mà Tây Sơn biếu cụ, cụ đều từ không nhận, giao tất cả cho Trấn. Cụ chỉ lấy một tấm đoạn màu huyền, may áo để mặc vào chầu. Còn tiền và gạo cụ cũng nhận.”     
    Tưởng được yên an hưởng tuổi già, nào ngờ vua Cảnh Thịnh lại triệu cụ vào Phú Xuân, hỏi về quốc sự. Cụ khuyên Quang Toản: “Xin sớm dời đô ra Thăng Long, cố kết nhân tâm, dự bị thi hành phép tắc.” Cụ xin trở về núi, nhưng Quang Toản không bằng lòng, muốn lưu cụ để hỏi han nhiều việc nữa.     
    Tình thế nhà Tây Sơn bấy giờ đã nguy ngập. Quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng dốc toàn lực tái chiếm Quy Nhơn, lâu mới hạ được thành. Võ  Tánh và Ngô Tùng Chu liều chết giữ thành Quy Nhơn, mật báo cho Nguyễn Ánh rằng quân Tây Sơn đang tập trung hết ở Quy Nhơn và khuyên Nguyễn Ánh thừa cơ lúc Tây Sơn không phòng bị ở Phú Xuân, đem thủy quân ra đánh vào thành Phú Xuân. Nguyễn Ánh vào Phú Xuân ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (1801). Cảnh Thịnh và tướng tá bỏ thành Phú Xuân chạy ra Bắc. La Sơn Phu Tử bấy giờ đang bị lưu ở Phú Xuân, cụ vẫn điềm nhiên ở lại.    
     Sách Lê mạt tiết nghĩa lục chép: “ Năm sau, Tân Dậu, đại quân tiến lấy lại Phú Xuân, Quang Toản chạy ra Bắc. Kẻ theo hầu đều sợ hãi. Tiên sinh ngồi đứng như thường, cư xử thản nhiên. Lính vệ sĩ về mách lại rằng có người hình trạng như thế. Vua Thế tổ vốn nghe tiếng cụ, bảo người hầu cận rằng: Đó chắc là ông Lục Niên. Bèn triệu cụ tới, tiếp đãi rất có lễ và muốn mời cụ làm quan.” Cụ giải bày thành thật và xin trở về nhà. Thể theo lời cụ thỉnh cầu, Nguyễn Ánh cho phép cụ về núi. Sai quan quân hộ tống cụ về đến đầu giới hạn Hoành Sơn. Vì lúc này, từ Hoành Sơn trở ra, quân Tây Sơn đang giữ.     
    Khi Nguyễn Ánh vào Phú Xuân, Quang Toản cưỡi ngựa ra Bắc, hai ngày sau vào ngày Đoan Ngọ đã tới sông Gianh ở Bố Chính. Phi báo cho em là Quang Thùy đưa quân ở Bắc Thành vào Thanh Hóa đón. Hạ tuần tháng năm, Quang Toản tới Bắc Thành, vào ở nhà em. Tháng sáu trời mưa to, sân nhà lở lớn, lầu ba tầng ở Nghệ An đổ, cho là điềm xấu, Quang Toản định từ tháng sáu năm ấy (Tân Dậu - 1801) đổi niên hiệu Cảnh Thịnh ra Bảo Hưng.        
Theo Liệt Truyện: “Tháng tám, Quang Toản sai em là Quang Thùy đưa binh mã trở vào trước, đóng ở Nghệ An. Tháng mười một, Quang Toản dẫn binh Tứ trấn và Thanh, Nghệ vào, nhập với quân Thùy để kéo vào Quảng Bình”. Quang Toản và Quang Thùy cho mời cụ tới trấn đồn Nghệ An hỏi quốc sự. Cụ nghiêm nghị nói thật, không giấu giếm gì cả. Cụ tới ở một ngày rồi về. Quang Thùy bèn biếu lễ vật, sai người đưa cụ về trại núi.  Lần này, cụ được ở yên trên núi. Bấy giờ là cuối năm Tân Dậu (1801), cụ 79 tuổi. Hai năm sau, ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (06/02/1804), cụ không bệnh mà mất, thọ 81 tuổi. Các con đưa táng cụ ở chỗ gần nhà trên núi Bùi Phong.   
      Qua hành trạng cuộc đời và sự nghiệp của cụ, đối thoại với chúa Trịnh Sâm, Quang Trung - Nguyễn Huệ, Quang Toản, Nguyễn Ánh…; và qua thi văn của cụ: “Hạnh Am Thi cảo”, “Hạnh Am ký”, tựa Gia Phổ, các thư từ phúc đáp, bài tấu lên vua Quang Trung bàn ba việc mà bậc đế vương phải biết để thực thi,… chúng ta có thể nhìn thấu tâm can của cụ cách nay ba trăm năm trước.   
      Bàn về quân đức với Quang Trung, muốn có đức thì phải học. Người không học không biết đạo. Đạo là những lẽ thường theo để làm người. Kẻ đi học là học điều ấy. Chính cụ cũng là gương sáng của một nhà Nho, chăm chỉ “Theo dõi Chu, Trình; Tôn sùng Khổng, Mạnh”, “Tùy thời co duỗi âu là phải; Đạo ấy ta đây rắp gắng công.” Cụ đã thấu hiểu đạo trung dung của Khổng giáo, khi ẩn dật hay khi ra làm quan, không sợ uy quyền, không tổn danh giá với tư tưởng chính thống “Trung thần bất sự nhị quân” khi ra cộng tác, giúp triều Tây Sơn.  
       Bàn về nhân tâm, cụ đã nêu: dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên. Với tấm lòng yêu nước, cụ ra tham mưu với Quang Trung trong chiến dịch đại phá quân xâm lược Mãn Thanh. Với tấm lòng thương dân, khi Bùi Huy Bích được chúa Trịnh Sâm bổ làm Hiệp trấn Nghệ An (1788), cụ liền xin khoan giảm thuế cho dân Thanh, Nghệ; hai lần tấu trình vua Quang Trung, cụ cũng xin khoan giảm thuế cho dân Nghệ An, lấy một trấn mà suy ra các trấn khác. Khi Quang Trung định xây Kinh đô ở Nghệ An, sợ dân khổ sở phục dịch, cụ cứ lần lữa khi được giao việc coi địa lý để đóng đô. Khi “phiêu dạt chốn xa xôi” ra vào Bố Chính, cụ có bài thơ thương cảm dân tình:    
             “Đã trót lên đèo, phải xuống đèo,     
              Tay không, mình tưởng đã cheo leo,    
             Thương thay thiên hạ, người gồng gánh,      
             Tháng lụn, ngày thâu chỉ những trèo.”    
     Trong Bình Ngô đại cáo, sau khi Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi năm 1427, Nguyễn Trãi đã dạy “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Khi mới giành độc lập cho nước nhà năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “Nước lấy dân làm gốc”. Những bài học lịch sử lấy dân làm gốc, thu phục nhân tâm đã soi đường cho dân tộc ta luôn tiến về phía trước, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, vẫn còn nguyên giá trị cho các thế hệ người Việt Nam.  
       Luận về học pháp là phải chính học; không học từ chương, học để đi thi để cầu danh lợi, chức quyền, sự học được phổ thông… Quang Trung xuống Chiếu lập học, đã xác định: “Kiến quốc dĩ học vi tiên, cầu trị dĩ nhân tài vi cấp…”, mở khoa thi tuấn sĩ (thi Hương) ở Nghệ An tháng tám năm Kỷ Dậu (1789) để chọn nhân tài giúp đất nước, tin tưởng giao ngay cụ việc dạy học, lập Viện Sùng Chính, dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để phổ biến kiến thức cho dân chúng… Những kinh nghiệm đó cho đến nay, vấn đề về đổi mới giáo dục vẫn đang được toàn xã hội quan tâm, ngày càng hoàn thiện hơn.      
   Qua cuộc đời và sự nghiệp của cụ, chúng ta càng nhận thấy tầm vóc vĩ đại và cách dùng người, thu phục nhân tâm các tầng lớp nho sĩ, trí thức của vua Quang Trung; đặc biệt là đối với La Sơn Phu Tử, đã làm nên mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ XVIII. Nói đến Quang Trung, nghĩ ngay đến ba lần mời La Sơn Phu Tử; như Lưu Bị mời Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ngược lại, nói đến La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp, chúng ta nghĩ ngay đến anh hùng dân tộc áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ./.     
Đoàn cán bộ chuyên môn BTQT trong chuyến công tác tại Đền thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
Ảnh:  Công Lập
   *Tài liệu tham khảo: - La Sơn Phu Tử (GS Hoàng Xuân Hãn); - Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái); - Quang Trung - Nguyễn Huệ con người và sự nghiệp (GS Phan Huy Lê ); - Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam - NXB VHTT (1993); - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - NXB Văn hóa (1999); - Quang Trung - Anh hùng dân tộc (Hoa Bằng Hoàng Trúc Trâm); - Quang Trung -Nguyễn Huệ - những di sản và bài học (Xưa & Nay - VHSG 2006). 

Tác giả bài viết: Đặng Công Lập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay190
  • Tháng hiện tại3,574
  • Tổng lượt truy cập41,953
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây