CHUÔNG CHÙA LA CHỬ - DI SẢN VĂN HOÁ THỜI TÂY SƠN

Thứ năm - 25/01/2024 19:54 386 0
Trong hành trình về miền di sản tham dự Lễ kỷ niệm 235 năm ngày anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân, nay thuộc phường An Tây, Thành phố Huế vào ngày 25 tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (1788-2023). Đoàn công tác Bảo tàng Quang Trung đến chùa La Chử, nơi lưu giữ chuông đồng quý giá triều Tây Sơn; viếng mộ của Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng và bà Lê Thị Vi – vị danh tướng thời Tây Sơn trên đất Huế.
Chùa La Chử
     
   Làng La Chử thuộc xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. La Chử có nghĩa là “tấm lụa phẳng trải bên bến nước”. Là một vùng quê trù phú yên bình, bao quanh những cánh đồng lúa mênh mông xanh ngát.
     Con đường thượng đạo chạy qua làng La Chử có tầm quan trọng về giao thông quân sự Bắc – Nam. Cho nên vào triều Tây Sơn, vua Quang Trung (1788-1792) đã phái Võ Văn Dũng làm chỉ huy sứ đem quân về đóng Tổng Hành Dinh ở làng La Chử, án ngự ngay trên con đường thiên lý thượng đạo từ mặt Bắc vào. Với tính chất quan trọng của vị trí chiến lược, trải qua hai triều Vua của Nhà Tây Sơn là Quang Trung và Cảnh Thịnh sau này, làng La Chử xưa đã trở thành điểm trọng yếu về quân sự: nơi đóng đại bản doanh của Đại Tư đồ Võ Văn Dũng để án ngữ mặt Bắc của Kinh thành Phú Xuân.
     Khi vua Quang Trung lên ngôi ở núi Bân, rồi đem quân ra Bắc đánh quân Thanh, có lẽ nhà Vua đã cỡi chiến tượng, vượt sông Phú Xuân theo một đoạn ở phía trên cầu Bạch Hổ hiện nay để theo con đường thiên lý thượng đạo này, ngang qua làng La Chử để lấy thêm bộ binh của tướng Võ Văn Dũng và tượng binh của nữ tướng Bùi Thị Xuân, đóng ở Tập Tượng Trường Hạ Lang thuộc làng La Chử; nay thuộc làng An Đô.
     Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng, (quê ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) - danh tướng thời Tây Sơn từng sát cánh cùng với vua Quang Trung qua nhiều trận mạc. Ông đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng của quân Tây Sơn: tham gia khởi nghĩa đánh Nguyễn (trận Thị Nại – Quy Nhơn), đánh quân Xiêm trận Rạch Gầm –Xoài Mút (1785), đánh quân Trịnh vào năm 1786, chiếm thành Phú Xuân, đánh quân Thanh năm 1789. Khi đóng Tổng Hành Dinh ở đây, tướng Võ Văn Dũng đã lấy người con gái xinh đẹp trong làng làm vợ chính thất đó là bà Lê Thị Vi, con gái của ông Lê Công Học. Bà Lê Thị Vi thuộc họ “Lê Ích” hiện nay ở La Chử. Và ông cụ Lê Công Học là ngài thủy phái ở họ Lê Ích này.
     Dưới thời Quang Trung, tướng Võ Văn Dũng giữ chức “Điện Tiền Tướng Quân” và phong tước “Thái Bảo Giá Ngự Quận Công”. Năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1792) ông được phong chức “Tư Đồ”, tước “Võ Quốc Công”.
    Năm 1791, tướng Võ Văn Dũng cùng phu nhân và nhạc gia cùng dân làng trùng tu chùa La Chử, đúc chuông và có tên ghi trên chuông ấy. Chuông chùa làng La Chử hiện đang còn là quả chuông có khắc rõ niên đại tạo chuông vào ngày tốt tháng Bảy năm Tân Hợi (khoảng tháng 8 - 1791) tức niên hiệu Quang Trung thứ tư, thời gian thịnh nhất của nhà Tây Sơn ở Thuận Hoá, chuông có ghi: “Hương Trà huyện, La Chử xã, Hội thủ Lê Công Học tín cúng. Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng chính thất Lê Thị Vi công đức”. Quả chuông hiện nay trở thành một bảo vật trong di sản tôn giáo, văn hóa của dân tộc.
Chuông chùa La Chử - quả chuông đồng quý giá của triều Tây Sơn
       Tuy có người con gái trong họ là “Tướng quân phu nhân” và người con rể là “Điện Tiền Tướng Quân Thái Bảo Giá Ngự Quận Công”, nhưng hiện nay họ Lê Ích không còn giữ được gì gọi là “vật chứng” của hai vị này, ngoại trừ cái tên và chức tước khắc trên hồng chung và bài vị thờ trong chùa. Hằng năm, ở chùa La Chử diễn ra nhiều lễ hội mang đậm nét truyền thống văn hoá và tín ngưỡng của người Việt, “Uống nước  nhớ nguồn” đó là lễ hội tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng làng, các anh hùng dân tộc đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc...Chùa làng La Chử làm lễ kỵ vào các ngày sau, gọi là “kỵ Công đức”:
Ngày 07.11 âm lịch hàng năm kỵ tướng Võ Văn Dũng.
Ngày 29.10 âm lịch hàng năm kỵ bà Lê Thị Vi.
Bài vị thờ tướng Võ Văn Dũng tại chùa La Chử 
(Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Văn Dũng Chi Thần Chủ)
Bài vị thờ bà Lê Thị Vy tại chùa La Chử 
(Điện Tiền Thái Bảo Giá Ngự Quận Công Võ Chánh Thất Lê Thị Vi Thần Chủ)
       Theo lời kể lại của các bô lão làng La Chử thì âm vang của quả chuông ngày ấy có thể vọng vang đến tận kinh thành Đại Nội Huế. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, để trả thù triều Tây Sơn đã thực hiện những chính sách nhằm tận diệt công thần vương triều cũ, tiêu hủy những dấu tích của triều Tây Sơn. Trước tình hình ấy, người dân làng La Chử đã không quản nguy hiểm để bảo vệ chuông đồng thoát khỏi sư tiêu hủy của nhà Nguyễn...Một trong những biện pháp bảo vệ chuông đồng đó là đục lỗ nhằm làm giảm tiếng vang của chuông, không cho nó ngân xa. Và hiện nay dấu tích để lại chính là nhiều lỗ chi chít phía bên vành của quả chuông.
     Chuông chùa La Chử được đánh giá là độc đáo nhất ở Huế bởi các hoạ tiết, hoa văn trang trí của chuông không mang nặng dấu ấn của văn hóa Phật giáo như các quả chuông đương thời. Vành trên đỉnh chuông được trang trí bằng bộ "Tứ thời” "Xuân, Hạ, Thu, Đông”. Ô Xuân tượng trưng cho sự mềm mại của phái đẹp với chiếc lược. Ô Hạ được trang trí với hình ảnh ngọn lá và thanh gươm, biểu thị cho sự cứng rắn của các đấng nam nhi anh hùng. Ô Thu có hai bầu rượu quấn dải lụa mềm mại. Ô Đông trang trí hình chiếc quạt lá vả và cuốn sách. Dưới các ô có hình 8 vị võ tướng tay cầm khí giới. Và dưới cùng là những hoạ tiết của bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phượng.
     Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù bom rơi đạn lạc, chùa làng bị đạn pháo bắn cháy. Thế nhưng người làng La Chử không quản ngại hy sinh để bảo vệ chuông được nguyên vẹn. Ngày nay, phía trên đỉnh chuông La Chử vẫn còn lưu lại dấu tích những lỗ thủng lớn do hậu quả của chiến tranh để lại.
         Sự nghiệp và nghĩa khí của Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng đã làm cảm khái bao tấm lòng đương thời và hậu thế. Có thể nói rằng nhân dân đã bất tử hoá danh tướng Võ Văn Dũng với bao truyền thuyết tốt đẹp và sống động. Hiện nay, tại khu vực Cồn Lăng thuộc làng Phụ Ổ, xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là mộ song tán của tướng Võ Văn Dũng và bà Lê Thị Vi. Cũng như tại mảnh đất Tây Sơn - Bình Định quê hương của ông, đã xây dựng Đền thờ Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng để tưởng nhớ và tri ân vị danh tướng tài ba của Nhà Tây Sơn.
     Đã hơn 200 năm trôi qua, trải bao thăng trầm lịch sử, vật đổi sao dời, thế nhưng tiếng chuông chùa La Chử vẫn vang vọng mãi gợi cho chúng ta luôn nhớ về triều đại Tây Sơn anh hùng trên hành trình cứu dân giúp nước, giữ vững nền độc lập của dân tộc vào thế kỷ XVIII.
Cổng chùa La Chử
Mộ song tán tướng Võ Văn Dũng và bà Lê Thị Vi tại Cồn Lăng, thuộc làng Phụ Ổ, xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Đoàn công tác Bảo tàng Quang Trung chụp ảnh tại mộ tướng Võ Văn Dũng và bà Lê Thị Vi

Tác giả bài viết: Lê Hơn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay173
  • Tháng hiện tại3,557
  • Tổng lượt truy cập41,936
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây