Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn trên địa bàn tỉnh Bình Định

Chủ nhật - 24/12/2023 11:32 725 0
Tỉnh Bình Định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là mảnh đất giàu đẹp về thiên nhiên và có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hoá, là cái nôi của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn quật khởi vào nửa cuối thế kỷ XVIII, quê hương của anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 143 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 02 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 107 di tích cấp tỉnh gồm đủ các loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh. Trong đó gắn với di sản văn hóa thời Tây Sơn có Bảo tàng Quang Trung là Bảo tàng lưu niệm danh nhân về người anh hùng dân tộc Quang Trung  - Nguyễn Huệ, cùng với 15 di tích thuộc thời Tây Sơn gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt - Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, 09 di tích cấp quốc gia và 05 di tích cấp tỉnh.
   
Bảo tàng Quang Trung – Nơi lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị tư liệu, hiện vật thời Tây Sơn
     Bảo tàng Quang Trung được xây dựng ngay trên quê hương của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, tại làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, phủ Quy Nhơn xưa (nay là khối I, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Bảo tàng là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn phục vụ công chúng nhằm giáo dục lịch sử và truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong những năm qua, đơn vị đã nỗ lực tổ chức sưu tầm, kiểm kê, bảo quản được hơn 11.000 tư liệu, hiện vật (trong đó có 10.287 đơn vị tư liệu, hiện vật gốc) liên quan đến Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Với những hiện vật và sưu tập hiện vật đặc biệt quý hiếm như: Tấm bia đá Lăng mộ Ông nội Tây Sơn Tam kiệt (phát hiện năm 1990, tại Di tích Lăng mộ Tổ Tây Sơn Tam kiệt thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), sưu tập tiền đồng, sưu tập vũ khí, sưu tập sắc phong thời Tây Sơn…
      Nhà trưng bày của Bảo tàng với diện tích 2.800m2 được trùng tu, nâng cấp mới, hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2019, trưng bày 1.685 tư liệu, hiện vật (trong đó có 1.321 tư liệu, hiện vật gốc) theo các chủ đề:
     Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam trước khởi nghĩa Tây Sơn; Nguồn gốc quê hương, gia tộc; Chuẩn bị khởi nghĩa; Chống các thế lực phong kiến Lê -Trịnh - Nguyễn thống nhất đất nước; Chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc (trọng tâm là chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh tan 5 vạn quân Xiêm (1785) và Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa xuân Kỷ Dậu (1789) đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược); Công cuộc xây dựng đất nước; Quang Trung sống mãi trong lòng dân tộc.
      Hệ thống trưng bày được đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng các giải pháp thiết kế mỹ thuật trên những chất liệu mới, hệ thống tranh hoành tráng, (với chất liệu sơn dầu), xây dựng chương trình phần mềm số hóa hiện vật và phòng chiếu phim 3D hiện đại để trình chiếu phim về “Giai đoạn tụ nghĩa của phong trào Tây Sơn”, “Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút”“Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa”, hệ thống máy tính tra cứu thông tin quảng bá các di tích, danh thắng của tỉnh…, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của du khách. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng Quang Trung đón tiếp và phục vụ trên 150.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Tây Sơn
     Về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích thời Tây Sơn, trên cơ sở xác định công tác khảo sát, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích là hoạt động quan trọng giúp cho Cơ quan quản lý cũng như cộng đồng biết được giá trị của di tích, là cơ sở khoa học để thực hiện bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử của di tích. Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức rà soát, kiểm kê, phân loại các di tích thời Tây Sơn trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền xếp hạng theo đúng quy định, hồ sơ xếp hạng di tích đảm bảo tính pháp lý, khoa học và các di tích được xếp hạng đúng với giá trị vốn có của di tích.
      Trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hoá liên quan phong trào Tây Sơn, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh và nguồn xã hội hóa như: Quy hoạch, xây dựng mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt; đầu tư xây dựng Khu di tích Đài Kính Thiên; trùng tu, tôn tạo di tích Gò Lăng (xây dựng Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn Tam kiệt) và khu di tích Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn Tam kiệt; mở rộng Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt (xây dựng Nhà tiền tế, nhà Tiền bái, nhà Thượng điện - nơi tưởng nhớ, tri ân Tây Sơn Tam kiệt và các văn thần, võ tướng thời Tây Sơn); xây dựng Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại Tư đồ Võ Văn Dũng; xây dựng tôn tạo, phục hồi di tích Bến Trường Trầu…
Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt trong khuôn viên BTQT
      Về cơ bản, công tác trùng tu, tôn tạo, mở rộng di tích đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, đảm bảo giữ gìn những đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích. Qua việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích nêu trên đã góp phần gìn giữ các giá trị di tích, làm cho bộ mặt di tích ngày càng khang trang, hoàn thiện, tạo điều kiện phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch, góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Ngoài ra, các cơ quan chức năng nơi có di tích tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong di tích, ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật, kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xử lý triệt để các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng xâm hại di tích, góp phần gìn giữ một cách tốt nhất các di tích lịch sử - văn hóa thời Tây Sơn.
     Trong bối cảnh hiện nay, khi nói đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không thể không quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá di sản. Thực tiễn cho thấy, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời kì mới. Trong thời gian qua, công tác truyền thông, quảng bá các giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn luôn được quan tâm, nhờ đó, lượng khách đến với Bảo tàng Quang Trung ngày càng tăng, góp phần khẳng định vị trí và vai trò của di sản văn hóa trong đời sống xã hội, du lịch phát triển đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong công tác truyền thông, quảng bá di sản văn hóa thời Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành, địa phương sử dụng các hình thức truyền thống như xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn tham quan Bảo tàng và các Di tích trên các trục đường và giao lộ chính, sử dụng băng-rôn, pa-nô, tờ gấp (Brochure)… giới thiệu về di sản, quảng bá các hoạt động tại Bảo tàng và di tích nhân các ngày kỷ niệm trong năm, đặc biệt là dịp Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hàng năm; tổ chức biên soạn và liên kết với tác giả xuất bản và phát hành hàng chục ấn phẩm nghiên cứu chuyên đề về Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, các văn thần, võ tướng tiêu biểu và các di tích lịch sử văn hóa thời Tây Sơn như: Sách Bảo tàng Quang Trung và di tích Tây Sơn, Lưu niệm danh nhân Tây Sơn, Nhà Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung cuộc đời và sự nghiệp, Nhạn Thần cô… phục vụ khách tham quan nghiên cứu, học tập.
     Tích cực hợp tác với các đơn vị truyền thông có uy tín (Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định (BTV), Đài truyền hình khu vực và các địa phương, các hãng phim tư nhân) xây dựng các phim tư liệu, các Video clip giới thiệu về Bảo tàng Quang Trung, các di tích Tây Sơn tiêu biểu, Lễ hội Đống Đa, chương trình biểu diễn Nhạc võ cổ truyền Tây Sơn, các danh tướng thời Tây Sơn, truyền thống võ thuật Bình Định...
      Bảo tàng Quang Trung luôn tích cực đẩy mạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ đạt hiệu quả mà còn tích cực trong việc triển khai ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hoạt động, góp phần phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng Quang Trung đã có trang thông tin điện tử, đội ngũ cán bộ chuyên môn luôn tìm tòi, nghiên cứu, cung cấp và chia sẻ nhiều bài viết về lĩnh vực chuyên môn nhằm quảng bá về triều đại Tây Sơn đến với du khách nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Bảo tàng gắn với phát triển du lịch.
      Cập nhật thông tin tư liệu, hiện vật bảo tàng, di tích qua hệ thống phần mềm Quản lý tư liệu, hiện vật bảo tàng và Quản lý di tích của Cục Di sản văn hóa. Từng bước xây dựng kho cơ sở dữ liệu số về các di sản văn hóa thời Tây Sơn; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị các di sản văn hóa thời Tây Sơn thông qua cơ sở dữ liệu số hóa, tạo mã định danh hệ thống tư liệu, hiện vật bảo tàng và di tích làm cơ sở ứng dụng công nghệ quét mã QR hỗ trợ khách tham quan Bảo tàng và các di tích Tây Sơn; từng bước ứng dụng công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động quản lý, bảo quản, trưng bày giới thiệu về di sản văn hóa thời Tây Sơn để công chúng dễ dàng tiếp cận, trải nghiệm. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, đồng thời khai thác tốt các giá trị văn hóa riêng có, đặc sắc của thời Tây Sơn nhằm đưa Bảo tàng và một số di tích trên địa bàn trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn.
      Với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên ngành di sản văn hóa của tỉnh nói chung và Bảo tàng Quang Trung nói riêng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, bằng việc tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn sẽ đạt được những kết quả cao hơn nữa, vừa góp phần gìn giữ, lưu truyền, giáo dục lịch sử, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau, vừa tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước theo định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng đề ra.         
Đông đảo du khách về BTQT dự Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào ngày mùng 5 tháng giêng
                         

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay199
  • Tháng hiện tại3,583
  • Tổng lượt truy cập41,962
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây