BẮC CUNG HOÀNG HẬU LÊ NGỌC HÂN, NỮ SĨ TÀI HOA THẾ KỶ XVIII

Chủ nhật - 06/10/2024 09:17 222 0
Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người anh hùng bách chiến bách thắng trên trận mạc và cũng là vị Hoàng đế của tình yêu với Ngọc Hân Công chúa nhà Lê, một nữ sĩ tài hoa thế kỷ XVIII của dân tộc.
Đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (Bắc Cung Linh Từ) tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội
Công chúa Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (tức ngày 22/5/1770), là con gái của vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), mẹ là Nguyễn Thị Huyền (1753 - 1823) người làng Phù Ninh (tức làng Nành), tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội. 
Trong Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Trong số năm, sáu công chúa con vua Lê Hiển Tông riêng có một nàng tên chữ gọi Ngọc Hân là người có nhan sắc và nết na hơn cả”. Theo lời truyền thì công chúa từ bé đã thông minh, tài sắc hơn người, đoan trang, kiều diễm, được mệnh danh là Chúa Tiên. Chưa đầy mười tuổi, công chúa chẳng những giỏi cầm, kỳ, thi, họa mà còn thuộc làu kinh điển, thông thạo âm luật, giỏi thơ văn cả Hán lẫn Nôm. 
Năm 1786, sau khi đem quân ra Bắc hoàn thành sứ mệnh “Diệt Trịnh, phù Lê”, Nguyễn Huệ vào cung làm lễ khấu kiến, trao trả lại quyền lực cho vua Lê Hiển Tông. Cảm kích trước việc làm cao thượng và để thêm gắn bó thân tình với nhà Tây Sơn, vua Lê Hiển Tông đã gả người con gái của mình là công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.
Mối lương duyên giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân là sự gặp gỡ giữa thiên tài và quốc sắc. Sự gặp gỡ này không chỉ là sự gắn bó phu thê mà còn là sự thống nhất giữa hai miền Nam Bắc trên 200 năm bị chia cắt bởi hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn:
奉    命    父    皇    龍    鳳   良    緣    情    夫    妾
 之    從     武    將    北    南    和    好    義    君    臣

"Phụng mệnh phụ hoàng long phượng lương duyên tình phu thiếp
Chi tòng vũ tướng Bắc Nam hòa hiếu nghĩa quân thần"
"Vâng mệnh phụ hoàng thuận lương duyên thắm tình phu thiếp
Đi theo võ tướng Bắc Nam hòa hiếu nghĩa vua tôi"             
   (Trích câu đối tại Đền thờ Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân)
Tháng 11 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, đặt niên hiệu Quang Trung, Lê Ngọc Hân được phong làm Hữu cung Hoàng Hậu. Năm 1789, được tiến phong Bắc cung Hoàng Hậu. Bà được nhà Vua rất mực thương yêu, quý mến. Chính vì tình yêu, sự đồng cảm sâu sắc của Hoàng đế Quang Trung đã làm cho cuộc đời của Ngọc Hân có ý nghĩa lớn lao và bà trở thành người cộng sự đắc lực trong triều chính ở Phú Xuân.
Nhưng tạo hóa vần xoay, càn khôn biến đổi. Cuộc nhân duyên định mệnh chỉ sáu năm chung sống của đôi trai tài, gái sắc ấy thật ngắn ngủi chẳng được vẹn toàn. Vị danh tướng tài ba từng đánh Nam dẹp Bắc hàng trăm trận bách chiến bách thắng trải nhiều mối gian lao trên đường chinh chiến đã đột ngột qua đời.
Từ nắng hạ mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên,
Xiết bao kinh sợ, lo phiền
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước
    Phương pháp nào đổi được cùng chăng?                                                          (Ai tư vãn)
Hoàng đế Quang Trung băng hà, nỗi đau không gì bù đắp nổi cho người vợ trẻ và hai con thơ dại giữa thời ly loạn mà còn thể hiện sự đau xót cho cả triều Tây Sơn. Nước mắt của Bà không chỉ là nước mắt của người vợ khóc chồng mà còn là nước mắt của cả dân tộc mất đi đấng minh quân, một anh hùng dân tộc với bao hoài bão còn dang dở.
Trong nỗi đau tột cùng ấy, Bà đã viết nên tác phẩm “Ai tư vãn” “Văn tế Hoàng đế Quang Trung” với cả nỗi niềm, sự tiếc thương vô hạn; giúp cho hậu thế hiểu sâu sắc hơn về tài năng và đức độ của Hoàng đế Quang Trung.
“Ai tư vãn”, áng thơ Nôm bất hủ về tình yêu, sự đồng cảm với sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung, nỗi cô đơn mất mát lớn lao, tiếng khóc hóa thành thơ của người con gái đất Thăng Long đã trở thành thiên trường ca có giá trị tư tưởng đặc biệt lúc bấy giờ và vượt lên các thi nhân nổi tiếng đương thời. Tác phẩm để lại cho hậu thế như một viên ngọc sáng trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam.
Lăng mộ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (mộ tượng trưng) tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Sau khi Hoàng đế Quang Trung mất (năm 1792), Nguyễn Quang Toản là con trưởng lên ngôi Vua mới 10 tuổi. Bắc cung Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân ra sức chèo chống, từng bước ổn định triều chính. Bà trở thành chỗ dựa của vương triều Tây Sơn trước sóng gió của thời cuộc. Nhưng nỗi đau mất chồng, thương con chẳng phút nào nguôi, Bà lâm bệnh và qua đời ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4/12/1799) tại chùa Kim Tiền (Dương Xuân- Huế) ở tuổi 29. Bà được triều đình Tây Sơn tôn miếu hiệu là Như Ý Trang Thận, Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu.
Bi thương đối với Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân không dừng lại khi Bà mất. Phú Xuân thất thủ, hai người con của Bà cũng bị hại. Sau năm 1802, Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, thân mẫu Hoàng hậu Ngọc Hân nhờ một viên Đô đốc nhà Tây Sơn vào Phú Xuân (Huế) bí mật đem hài cốt của ba mẹ con Ngọc Hân về dinh Thiết Lâm và an táng tại bãi Đầu Voi (Cây Đại) đầu làng Phù Ninh để phụng thờ.
Những tưởng “sinh ký tử quy” cho một kiếp hồng nhan được yên phận ở thế giới bên kia, nhưng cái nghiệp “giai nhân” đã đeo đuổi số phận Bà ngay cả sau khi mất. Vòng xoáy báo thù của triều Nguyễn với những người trung thành vương triều Tây Sơn  không buông tha khi Bà thành người thiên cổ. Nắm xương tàn ấp ủ trong lòng đất mẹ và hai con của Bà bị nhà Nguyễn đào lên, đổ xuống sông Hồng, khu vực làng Ái Mộ (nay thuộc quận Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).
Nhưng tài đức của Hoàng hậu Ngọc Hân đã thông đến đất trời nên khi mất đi, Bà hiển linh và trở nên bất tử. Tương truyền hài cốt Ngọc Hân trôi ra sông Hồng đến ghềnh ở làng Lâm Hạ, xã Phú Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) thì dừng lại. Người dân rước vào bãi sông rồi lập Đền thờ. Bà được dân gian coi là một hóa thân của Mẫu Thoải (Thủy), một trong ba vị Thánh Mẫu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Thật là kỳ diệu, một nhân vật lịch sử chết đi lại được hiển Thánh, sống mãi trong lòng dân đời đời được ghi nhớ. Đền thờ Bà được gọi là Đền Mẫu.
Cảm thương cho mối tình đẹp, đượm màu bi ai lịch sử, Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu có đôi câu đối tại Đền thờ Bắc cung Hoàng hậu:
國    色    天    才    紙    審     綏     連    南   北    徕
孀    臺    哀    輓    魂     聲    群     買    渃    嫩    尼

Quốc sắc thiên tài chỉ thắm nối liền Nam Bắc lại
Sương đài ai vãn hồn thiêng còn mãi nước non này
Vương triều Tây Sơn tồn tại trong thời gian ngắn (1771-1802) nhưng oai hùng và nhiều bi thương, trong đó phải kể tới mối tình của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân. Tuy đã thành người thiên cổ nhưng họ vẫn sống mãi trong tâm thức của người dân nước Việt.
Thể hiện lòng tri ân với người con tài sắc, có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc, Khu tưởng niệm Bắc cung Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân (gồm Di lăng và Đền thờ) tại xã Ninh Hiệp được xây dựng năm 2009, khánh thành năm 2011 xây dựng theo kiến trúc truyền thống, là một trong những công trình tín ngưỡng mang ý nghĩa sâu sắc thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với một nhân vật lịch sử của đất nước.
Cảnh quan Đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân (Bắc Cung Linh Từ) tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội
 Đến với Khu tưởng niệm danh nhân Lê Ngọc Hân, chúng ta như sống lại những năm tháng hào hùng của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với trận đại phá quân Thanh (1789) vang dội mãi ngàn đời và Ngọc Hân công chúa – một nữ sĩ tài hoa, người phụ nữ xuất sắc có nhiều đóng góp cho vương triều Tây Sơn và lịch sử dân tộc !

Tác giả bài viết: Lê Hơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay179
  • Tháng hiện tại3,563
  • Tổng lượt truy cập41,942
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây