1. Giáo dục lịch sử địa phương tại Bảo tàng Quang Trung Lịch sử địa phương có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đặc biệt là giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, các Trường học trên địa bàn Tỉnh Bình Định đã phối hợp với Bảo tàng Quang Trung tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho các em học sinh tìm hiểu về lịch sử thời Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, qua đó giúp các em lĩnh hội được kiến thức về những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương.
Bảo tàng Quang Trung – nơi trưng bày và phát huy giá trị các tư liệu, hiện vật về phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn; cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nơi đây có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt; Trống trận Quang Trung và Võ cổ truyền Tây Sơn được bảo tồn và phát huy.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bảo tàng Quang Trung đã tiếp đón và phục vụ hơn 2.400 lượt /27 đoàn học sinh đến tham quan, học tập, trải nghiệm tìm hiểu lịch sử thời Tây Sơn. Các em học sinh đa số là các cháu từ mầm non đến học sinh các cấp như Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (TP.Quy Nhơn), Trường THCS Đào Duy Từ (Thị xã Hoài Nhơn), Trường Tiểu học xã Bình Thuận, Trường Mầm non Phú Mỹ (huyện Tây Sơn), Trường Tiểu học số 1 huyện Phù Cát, Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước)…
Đến với Bảo tàng Quang Trung, các em được nghe các anh chị thuyết minh giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ - những thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào nông dân Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVIII. Đặc biệt là vai trò của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc với Lời hiểu dụ tướng sỹ trước khi đánh quân Thanh xâm lược còn vang mãi:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh chó nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Trích lời Hiểu dụ tướng sỹ của vua Quang Trung đọc tại Thọ Hạc, Thanh Hóa năm 1788)
Các em được tham quan các phòng trưng bày bảo tàng theo từng chủ đề: Từ bối cảnh lịch sử; Nguồn gốc quê hương; Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa; Công cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài; Xây dựng đất nước của vương triều Tây Sơn. Được tận mắt nhìn thấy những hiện vật quý giá: Súng thần công, vũ khí, sưu tập tiền đồng, sưu tập sắc phong thời Tây Sơn, câu chuyện về nữ tướng Bùi Thị Xuân ra trận với những giai thoại hùng hồn không khuất phục trước quân thù… được xem phim tư liệu 3D với âm thanh, hình ảnh sinh động tái hiện về những chiến công oanh liệt của Hoàng đế Quang Trung với hai trận đánh lớn: trận Rạch Gầm Xoài Mút (năm 1785) đánh tan 5 vạn quân Xiêm và trận Ngọc Hồi – Đống Đa (năm 1789) đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh vào ngày Mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Không những được nhìn thấy hiện vật trưng bày, nghe hướng dẫn tại Bảo tàng mà còn được tham quan, tìm hiểu về di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, hình ảnh Cây Me cổ thụ, giếng nước xưa trong vườn nhà cũ của gia đình Tây Sơn, trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử vẫn được Bảo tàng Quang Trung bảo tồn và gìn giữ. Các em cùng vào Đền thờ thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ công đức của Tây Sơn Tam kiệt và các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn.
Đến với Bảo tàng Quang Trung, các em còn được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật Trống trận Quang Trung và võ cổ truyền Tây Sơn. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thời Tây Sơn được Bảo tàng Quang Trung bảo tồn và phát huy giá trị. Trống trận Quang Trung ra đời từ phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn mang khí phách hào hùng của dân tộc, được vua Quang Trung sử dụng làm hiệu lệnh cổ vũ tinh thần chiến đấu của ba quân với 3 hồi: Xuất quân, xung trận hãm thành và ca khúc khải hoàn được các diễn viên biểu diễn trên 12 trống và ban nhạc phụ họa. Xem biểu diễn trống trận em nào cũng thấy hào hứng, phấn khởi như được xem đoàn quân Tây Sơn ra trận đánh giặc, tiếng ngựa hí, tiếng quân reo mừng chiến thắng. Không những thế sau màn trống trận các em còn được thưởng thức các tiết mục võ cổ truyền Tây Sơn. Võ cổ truyền Tây Sơn kết hợp những tinh hoa, truyền thống của võ học cổ truyền Việt Nam, đến thời Tây Sơn võ cổ truyền Tây Sơn – Bình Định đạt đến đỉnh cao, kết hợp trên nền nhạc do các võ sỹ, võ sinh biểu diễn tái hiện khí thế oanh liệt, hào hùng của đoàn quân Tây Sơn khi ra trận.
Sau chuyến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Quang Trung, em Tạ Thị Vỹ Cầm, học sinh lớp 4A Trường Tiểu học xã Bình Thuận – huyện Tây Sơn chia sẻ cảm nhận: “Em rất tự hào về Hoàng đế Quang Trung, là một anh hùng vĩ đại đã đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước. Qua chuyến tham quan hôm nay đã giúp chúng em thêm có nhiều kiến thức và tạo nhiều hứng thú hơn trong học tập”.
Việc tổ chức hoạt động giáo dục lịch sử địa phương đã tạo cho các em học sinh sân chơi rất bổ ích, lý thú trong học tập, thông qua các hoạt động trải nghiệm đã giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương. 2. Ngày 02/4/2024, Chi bộ Bảo tàng Quang Trung tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Chuyên đề năm 2024 – 2025 cho đảng viên về:“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp; phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm đầu khu vực miền Trung” và nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 3. Sự kiện quan trọng trong tháng 5/2024: Bảo tàng đang tập trung hình ảnh, tư liệu tổ chức triển lãm chuyên đề về “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng” tại Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5 và kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).