BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY 18 BAN BINH KHÍ VÕ CỔ TRUYỀN TÂY SƠN - BÌNH ĐỊNH

Thứ ba - 18/03/2025 10:30 86 0
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền
Câu ca dao bao đời nay vẫn luôn khiến người dân Bình Định tự hào về quê hương được mệnh danh là "miền đất võ”. Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước oai hùng của dân tộc. Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Tây Sơn Tam Kiệt - Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là sự quy tụ của những anh tài võ học gánh vác sứ mệnh cứu nước, được người đời tôn vinh bằng: Tây Sơn thất hổ tướng, Tây Sơn lương tướng, Tây Sơn ngũ phụng thư.
 
Đội nhạc võ Bảo tàng biểu diễn võ cổ truyền Tây Sơn tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung

Thời kỳ Tây Sơn, võ thuật đạt đến đỉnh cao trong ý nghĩa quật cường và chính khí của một phong trào lịch sử bão táp thực hiện sứ mệnh cứu dân cứu nước. Sự xuất hiện của hàng loạt võ nhân xuất sắc ở cương vị tướng lĩnh lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn lập nên những chiến công vang dội, lật đổ các tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, đánh tan 5 vạn quân Xiêm (1785), 29 vạn quân Thanh (1789). Tên tuổi các võ nhân anh hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn mà tiêu biểu là vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
 Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn được sử sách ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất, là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp, hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc. Từ thời Tây Sơn, di sản Võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy cho đến ngày nay. Năm 2012, võ cổ truyền Bình Định được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Đến nay, toàn tỉnh có 178 võ đường, câu lạc bộ Võ cổ truyền Bình Định với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh có hàng chục làng võ nổi tiếng gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử nhiều thế kỷ như: Làng võ An Vinh, Thuận Truyền (huyện Tây Sơn); làng võ An Thái,  (thị xã An Nhơn)...
“Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”
“Trai An Thái, gái An Vinh”

Võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định vừa giúp rèn luyện thể lực, trí lực và tâm lực, thể hiện tinh thần thượng võ và ý chí tự cường tạo nên bản sắc của con người Bình Định. Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa võ cổ truyền Bình Định vào truyền dạy. Người học võ được thầy trao truyền về  tinh thần kỷ luật, rèn luyện ý chí, bản lĩnh, tu dưỡng đạo đức, xây dựng nhân cách góp phần gìn giữ và phát huy võ cổ truyền Bình Định.
Bảo tồn và phát huy Võ Cổ truyền Tây Sơn - Bình Định cũng chính là bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam. Đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung - nơi bảo tồn và phát huy 18 ban binh khí (Thập bát ban binh khí).
Trong hành trình tham quan Bảo tàng Quang Trung, du khách sẽ được thưởng thức biểu diễn trống trận Quang Trung và những tiết mục võ cổ truyền trong 18 môn binh khí Tây Sơn. Du khách như cảm nhận được hào khí của Tây Sơn năm xưa, đây là một giá trị di sản văn hóa quý báu mà Bảo tàng đã kế thừa, gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày hôm nay.

Xin giới thiệu 18 ban binh khí (Thập bát ban binh khí):
1. ĐAO:  Đao gồm có đại đao, song đao và đoản đao. Binh khí này cán làm bằng gỗ cứng hoặc kim loại, lưỡi bằng kim loại. Đại đao là vũ khí nặng, cán dài. Người sử dụng đại đao phải có sức vóc hơn người. Triều Tây Sơn có bốn người nổi tiếng về đại đao là Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu và Đặng Văn Long. Đặc biệt là Võ Văn Dũng, tài sử dụng đại đao của ông được Nguyễn Nhạc khen ngợi: ‘‘Phá giặc trong núi dễ, thắng ngọn đao Võ Văn Dũng rất khó’’.
Người con gái đất Tây Sơn tài sắc vẹn toàn, tinh thông võ thuật, am hiểu binh pháp và đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phong trào Tây Sơn chính là nữ tướng Bùi Thị Xuân. Sinh thời bà thường sử dụng các loại: Song đao, song kiếm và đoản kiếm … Người đời ca ngợi bà rằng:
“Côn quyền tinh thục hơn ai,        
       Song đao, đoản kiếm là hai sở trường”
Đại đao
Song đao
Đoản đao; Ảnh: Báo Tiền phong

2.THƯƠNG: là vũ khí dài, cán làm bằng gỗ cứng, ở đầu có mũi hình thoi nhọn đúc bằng sắt. Thương là binh khí dùng trong chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn. (Đặc biệt có bài võ "U linh thương" do Lý Công Uẩn sáng tác).
Trường thương
Độc long thương; Ảnh: Báo Tiền phong

3. CUNG: Trong 18 môn binh khí cổ truyền Tây Sơn - Bình Định thì đao, thương, cung, kiếm là những vũ khí được quân đội Tây Sơn sử dụng phổ biến nhất. Cung làm bằng gỗ dẻo, tre hoặc mây, dây cung làm bằng gân trâu hoặc làm bằng dây dẻo có tính đàn hồi cao. Mũi tên làm bằng gỗ cứng hoặc tre già; vừa là công cụ săn bắn vừa là vũ khí chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn. Binh khí này dùng ở tầm xa thay cho súng khi xung trận. Nổi danh về bắn cung ở Tây Sơn xưa từng có La Văn Kiều, Đặng Xuân Phong, Lý Văn Bưu.
 
Chấn thiên cung

4. KIẾM: Kiếm gồm có độc kiếm, song kiếm và trường kiếm. Chuôi kiếm (cán) được làm bằng gỗ cứng, có khi bằng kim loại. Lưỡi kiếm bằng kim loại. Kiếm thuộc hàng vũ khí thanh nhã, phải đảm bảo ba yếu tố: sắc bén, độ nặng, độ dài phù hợp với sức vóc người cầm. Tương truyền thời Tây Sơn, nữ tướng Bùi Thị Xuân đã sáng tác bài võ ‘‘Song phượng kiếm” và truyền dạy cho ‘‘Tây Sơn ngũ phụng thư”.
Huỳnh long độc kiếm
Song phượng kiếm
 

5. CÔN (Roi): gồm có đoản côn (roi ngắn) và trường côn (roi dài). Côn trong dân gian thường gọi là roi. Côn thường làm bằng gỗ, tre, mây, có khi làm bằng kim loại, thông thường làm bằng gỗ kiền kiền hoặc bằng tre dài. Còn có một loại côn nữa là côn nhị khúc, làm bằng hai thanh gỗ cứng hoặc kim loại dài bằng nhau, nối với nhau bởi một sợi dây chắc chắn. Đây là một trong những binh khí nổi tiếng của con gái Bình Định.
Võ sư Hồ Sừng múa roi Thuận Truyền
 
 
 
Các võ sinh tập luyện múa côn

6. ĐINH BA (SOA): Đinh ba là loại vũ khí cán dài, làm bằng gỗ quý, một đầu tra lưỡi sắt có ba răng nhọn xỉa thẳng về trước. Đinh ba  là công cụ dùng trong lao động nông nghiệp, vừa là binh khí dùng trong chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn. Đinh ba vận dụng các chiêu thức thiên về phóng, đâm, xóc.
 

7. LĂN KHIÊN: (Gồm có: khiên và đao). Lăn  khiên là một tấm chắn bằng gỗ hoặc đan bằng cật tre, mây, dùng để đỡ gạt trong khi giao chiến, nhất là trong đánh trận, công thành. Nghĩa quân Tây Sơn rất thành thạo môn lăn khiên – một tay cầm khiên để hứng tên bắn từ xa hoặc đỡ gươm giáo khi đánh xáp lá cà, trong khi tay kia sử dụng một vũ khí khác, thường là độc kiếm để tấn công kẻ địch.

8. CHUỲ: là loại binh khí cán tròn thường là một thanh gỗ cứng hoặc kim loại, một đầu là khối kim loại (sắt, thép, đồng) đặc ruột, hình thuẫn hoặc tròn, ngoài mặt đúc nổi gai lục giác hoặc xẻ cạnh khế. Bề ngang đường kính 10-15cm cán ngăn độ 0,4 đến 0,5m. Dùng để đánh trong phạm vi xáp la cà, đồng thời nâng cao thể lực của võ sỹ  trong tập luyện.
Song chuỳ; Ảnh: Báo Tiền phong
 

9. BỪA CÀO: Lực lượng tham gia đông đảo nhất của phong trào Tây Sơn là người nông dân, những dụng cụ lao động nông nghiệp của họ đều trở thành vũ khí chiến đấu. Bừa cào là dụng cụ dùng trong lao động nông nghiệp, vừa dùng là vũ khí chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn. Bừa cào là vũ khí cán dài, thường làm bằng gỗ cứng, một đầu tra lưỡi sắt hoặc bằng gỗ hình răng lược,  vận dụng chiêu thức thiên về đập, giật.

10. PHỦ (Búa): Cán phủ làm bằng gỗ cứng, lưỡi phủ được đúc hoặc rèn bằng sắt, thép tốt, rất nặng.
Phủ là loại vũ khí gần giống với rìu chặt cây của tiều phu. Phủ là loại vũ khí ngắn. Chiêu thức của phủ gồm các đòn ngắn, mạnh, trực diện, khả năng sát thương kẻ địch rất lớn, thích hợp với lối đánh thấp, cận chiến, trên bộ. Người sử dụng phủ phải có sức lực hơn người, thân pháp cực kỳ mau lẹ.
 

11. KÍCH:  là vũ khí dài, gồm có song kích (phương thiên họa kích) và bán thiên kích. Phương thiên họa kích có một mũi nhọn ở giữa giống ngọn giáo, hai bên là hai vành đao lưỡi liềm đối lưng với nhau. Bán thiên kích chỉ có mũi nhọn với một vành đao lưỡi liềm. Kích nặng ở đầu nên sử dụng không được linh động như thương, nhưng sát thương nguy hiểm khôn lường.
Song kích
Bán thiên kích

 12. THIẾT LĨNH (mẫu tử côn): Thiết lĩnh là dụng cụ dùng để đập lúa của người nông dân, là binh khí đặc trưng của nghĩa quân Tây Sơn. Thiết lĩnh được làm bằng một cây gậy (như đoản côn) một đầu gậy có nối đoạn dây mềm, dẻo khoảng 0,35cm, cuối đoạn dây nối một đoản khúc vuông (hoặc tròn) dài khoảng 0,3m. Thiết lĩnh là vũ khí rất lợi hại, dùng để đánh giật chân đối phương hoặc chân ngựa.

 

13. GIÁO: là loại vũ khí dài khoảng 2 - 2.5m, cán giáo được làm bằng tre già đặc ruột hoặc gỗ quý có đầu vót nhọn dẹp, bịt kim loại, bản dẹp khác với lưỡng thương. Trong dân gian dùng để đi săn thú rừng. Giáo có cách đánh như côn, nhưng lợi thế hơn ở chỗ có mũi nhọn, dẹp để đâm lách. Tương truyền đây là vũ khí đắc dụng của nghĩa binh Mai Xuân Thưởng, vì vùng nông thôn Bình Định trồng rất nhiều tre.

14. XÀ MÂU: là loại vũ khí dài, phần mũi đúc bằng kim loại uốn khúc như hình rắn, đầu mũi nhọn. Xà mâu chế tác bằng gỗ quý,  cứng, dẻo. Tác dụng của xà mâu là bổ, đâm, giật. Cán xà mâu sử dụng các chiêu thức như côn.

15. NHUYỄN TIÊN: (dải lụa đào hay còn gọi là khăn ) là vật tuỳ thân của người Bình Định xưa, làm bằng vải lụa dài khoảng 1.2m, rộng 0.5m.
Binh khí này có tên gọi trong tư liệu là "nhuyễn tiên", dân gian gọi là dải lụa đào. Tương ứng với binh khí dải lụa là vật tuỳ thân của người Bình Định xưa, làm bằng vải, thường vắt trên vai, dùng để thấm mồ hôi, lau mặt, che nắng; trong tay con nhà võ, nó trở thành một ngọn ‘‘nhuyễn tiên’’ lợi hại.

16. GIẢN: Giản gồm có độc giản và song giản. Giản đươc làm bằng gỗ quý có độ dài từ 0,8 đến 1m, cán ngắn khoảng 0,2m, thân giản có 9 đốt hình cạnh khế nhỏ dần từ cán đến đầu giản. Là binh khí thường được nhà Vua ban cho các đại thần có công lớn. Người được vua ban giản có quyền tiền đả hậu tấu ( đánh trước báo vua sau).
Độc giản
Song giản

17. XÍCH: (Còn có tên gọi thất tiết tiên, cửu tiết tiên). Xích làm bằng các khoanh kim loại gắn mắc xích với nhau, dài khoảng 2,2m - 2,5m gắn 2 quả chùy nhỏ ở 2 đầu dây xích, mỗi quả nặng khoảng 0,2kg. Xích là loại vũ khí khó tập, được áp cho những võ sĩ có trình độ chuyên môn. Dùng để đánh từ xa, hoặc quấn, giật đối thủ, cướp binh khí của đối phương.

18. THÁI LONG CÂU: Thái long câu lưỡi gần giống lưỡi liềm. Thái long câu là một binh khí tương truyền có từ thời An Dương Vương cho đến thời Trần thì thất truyền. Đến thời Tây Sơn được phục hồi và sử dụng phổ biến trong hàng ngũ nghĩa quân Tây Sơn.
 

Bình Định, mảnh đất có bề dày văn hoá với nhiều loại hình di sản văn hoá của người Việt và cộng đồng các dân tộc anh em. Dù trải qua bao tổn thất do chiến tranh và sự tàn phá của thiên nhiên nhưng miền đất này và bao thế hệ nhân dân Bình Định vẫn lưu giữ rất lớn các di sản văn hoá vật chất và tinh thần vô giá. Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là niềm tự hào của người dân đất võ, mà đã xác lập được vị thế trong không gian quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Tỉnh Bình Định đang trình hồ sơ lên Chính phủ đệ trình Unesco xem xét, ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào, vinh dự của nền võ thuật Tây Sơn và của tỉnh nhà.
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Võ sư cao cấp Hồ Sỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay151
  • Tháng hiện tại884
  • Tổng lượt truy cập73,747
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây