LỄ HỘI KỶ NIỆM 235 NĂM CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA (1789 -2024) - SÁNG MÃI HÀO KHÍ TÂY SƠN 

Thứ năm - 15/02/2024 16:54 233 0
Chiều ngày 13/02/2024 (nhằm ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn) tại Bảo tàng Quang Trung, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng về cội nguồn, tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các văn thần, võ tướng Triều đại Tây Sơn.
 

     Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo thị xã An Khê; Lãnh đạo huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; Lãnh đạo huyện Tây Sơn và các xã, thị trấn; Hội đồng hương Bình Định tại các tỉnh, thành phố cùng đông đảo người dân và du khách tham dự Lễ hội.
    Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức hàng năm vào chiều mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán tại hai địa điểm chính là Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt - Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) và Di tích lịch sử Gò Đống Đa (Hà Nội).

    Cách đây 235 năm, vào ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc ra Bắc đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh với trận Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội giải phóng kinh thành Thăng Long, thống nhất đất nước. Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, là bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc. Đây là minh chứng lịch sử khẳng định nhãn quan nghệ thuật quân sự thiên tài của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.       
 Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây 235 năm, nhưng mỗi mùa xuân về, nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn bồi hồi nhớ lại chiến thuật thần tốc, táo bạo, bất ngờ của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. "Hình ảnh vị Vua với chiếc áo bào sạm đen thuốc súng, dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào Kinh thành Thăng Long trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân", ngày mùng 5 tháng Giêng đã đi vào lịch sử ghi dấu chiến công năm xưa của người anh hùng áo vải và sự hy sinh của các nghĩa sỹ Tây Sơn trên chiến trường Thăng Long ngày ấy. 
     Trong không gian tràn ngập cờ, hoa và đông đảo quần chúng nhân dân vào chiều mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; phần lễ được tổ chức long trọng theo nghi thức truyền thống gồm: dâng hoa tại tượng đài Hoàng Đế Quang Trung, với nền nhạc kèn, trống âm vang trầm hùng đã tạo cho không khí buổi lễ thêm thành kính, tôn nghiêm như ngưng đọng lại giữa khí thiêng sông núi những ký ức hào hùng nhưng mộc mạc và gần gũi trong lòng người.

    Tiếp đến là lễ dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, hoạt động văn hóa tâm linh trong diễn trình lễ hội, nghi lễ mang nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Trong không khí trang nghiêm, chinh cổ khởi xướng, vị điển lễ đọc chúc văn ghi lại sự tích chiến công Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa, ca ngợi thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.   
Các đoàn đại biểu thành kính dâng hương tại Dí tich quốc gia đặc biệt Đền thờ
Tây Sơn Tam Kiệt
 
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt

      Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú từ mùng 4 đến mùng 6 Tết như: Liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định; Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Bình Định; Biểu diễn múa Lân, Sư, Rồng; Diễn tấu cồng, chiêng và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số; Hội thi đối kháng Võ cổ truyền liên tỉnh năm 2024.
    Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với chủ đề “Hào khí Tây Sơn” quy tụ hơn 400 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; cùng lực lượng học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, Trường THPT Quang Trung (huyện Tây Sơn) tham gia biểu diễn. Nội dung gồm 3 phần: Phần 1 - Tây Sơn tụ nghĩa; phần 2 - Ngọc Hồi - Đống Đa bản hùng ca bất tử; phần 3 - Viết tiếp bản hùng ca. Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa  chào mừng Lễ hội và đón chào năm mới Giáp Thìn 2024.
 
Chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với chủ đề " Hào khí Tây Sơn"
    
   Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đọc diễn văn ôn lại chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử: "Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại tinh thần của cuộc tiến công thần tốc, chiến tích chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, mà còn làm sống dậy hào khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của các vị tướng lĩnh kiệt xuất, đặc biệt là người anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ".
     Ngay từ sáng sớm mùng 5 Tết, hàng chục nghìn người dân, du khách thập phương đã về Bảo tàng Quang Trung để được hòa mình vào không gian của lễ hội, thắp nén tâm hương tưởng nhớ và tri ân công tích Tây Sơn Tam Kiệt, tham quan Nhà trưng bày, trải nghiệm nhiều hoạt động nghệ thuật sôi nổi, hấp dẫn trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.
Đông đảo người dân và du khách trên mọi miền Tổ quốc đã về tham dự Lễ hội
 
Liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định diễn ra tại Lễ hội

     Đến với lễ hội Đống Đa - Tây Sơn còn là đến với những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây nguyên. Nhớ lại năm tháng dựng cờ khởi nghĩa, các Thủ lĩnh Tây Sơn đã đoàn kết, quy tụ đồng bào dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo: Bana, Giarai, Êđê, Chăm... Du khách được thưởng thức âm vang của cồng chiêng Tây Nguyên với những điệu múa xoang tay cầm tay nhau nhảy múa trong nhịp điệu chiêng cồng rộn ràng, sôi động, trong màu sắc rực rỡ của trang phục dân tộc truyền thống và hiện đại đan xen nhau, như được sống trong không gian của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, hòa cùng những cung bậc tình cảm ấm áp, chân thành của người dân đất võ. 

     

     Đến với lễ hội Đống Đa, du khách còn được xem nghệ thuật biểu diễn trống trận Quang Trung và võ cổ truyền Tây Sơn – Bình Định. Tương truyền trong những chặng đường chinh chiến, người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ đã sử dụng nhạc võ làm hiệu lệnh, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho ba quân. 

       Lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là hoạt động mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tôn vinh những chiến tích lừng lẫy và tinh thần bách chiến, bách thắng của vị Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và các văn thần, võ tướng Triều đại Tây Sơn oai hùng. Lễ hội Đống Đa Tây Sơn - Lễ hội tâm linh đầu xuân có sức lan tỏa rộng khắp, hấp dẫn kỳ lạ đối với mọi du khách khi đến vùng đất địa linh nhân kiệt Tây Sơn - Bình Định; là niềm tự hào của các thế hệ người Bình Định và nhân dân cả nước viết tiếp trang sử vàng về truyền thống yêu nước của dân tộc và thời đại. 
Hào khí Tây Sơn toả núi sông,
Anh hùng áo vải phất cờ hồng,
Cứu dân, giữ nước, yên bờ cõi,
Sự nghiệp muôn năm tạc chữ đồng.
Con cháu ngày nay rất tự hào,
Phát huy truyền thống, chí càng cao.
Nước non hùng vĩ, hoa thơm ngát
Bão táp qua rồi, đẹp biết bao!
(Bút tích Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nước CHXHCN Việt Nam về thăm BTQT năm 1985)
   Trước đó, các đoàn đại biểu đã thành kính dâng hương tại khu tâm linh Đài Kính Thiên, Đền thờ Song thân Tây Sơn Tam Kiệt (di tích Gò Lăng), Đền thờ Đô Đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Lê Hơn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay183
  • Tháng hiện tại2,402
  • Tổng lượt truy cập40,781
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây