Di sản văn hóa là tài sản quý giá của dân tộc. Ngày nay, di sản văn hóa đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Ngày 24.02.2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc lấy ngày 23.11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Tiền đề để Chính phủ quyết định chọn ngày 23.11.2005 là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam” xuất phát từ Sắc lệnh 65/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23.11.1945. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh số 65/SL đã phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2005 tới nay, ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23.11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn của những người làm công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc trong trái tim của người dân Việt Nam.
Bảo tàng Quang Trung là đơn vị sự nghiệp trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, một thiết chế văn hóa thuộc sở hữu Nhà nước, trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, với chức năng nghiên cứu, giáo dục khoa học lịch sử thông qua các hoạt động chuyên môn nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày giới thiệu phục vụ công chúng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thời Tây Sơn và danh nhân anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam.
Từ những ngày đầu mới thành lập (năm 1977), trải qua hơn 45 năm xây dựng và trưởng thành là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của tập thể Lãnh đạo, viên chức, người lao động luôn đoàn kết, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, triển khai mạnh mẽ, toàn diện các hoạt động chuyên môn, đạt được nhiều thành tựu và đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc. Đội ngũ viên chức làm công tác chuyên môn không ngừng nghiên cứu, sưu tầm thêm nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến sự nghiệp của phong trào Tây Sơn, cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ. Bảo tàng Quang Trung đã trở thành điểm đến hấp dẫn, hàng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục về ý thức trách nhiệm của người dân trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Thành quả đó, nhiều năm liền Bảo tàng Quang Trung đã đón nhận Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ VHTTDL đơn vị thi đua xuất sắc ngành Bảo tồn Bảo tàng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Bình Định.
Thời gian đến, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Với trách nhiệm được giao đang đặt ra cho chúng ta những khó khăn mới, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn, đội ngũ cán bộ chuyên môn phải nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ, đạo đức, năng lực quản lý, điều hành, có khả năng nghiên cứu, sáng tạo, tìm ra những biện pháp mới để thu hút ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập để Bảo tàng Quang Trung ngày càng phát triển, phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt xứng tầm với tên gọi và vị thế của người anh hùng dân tộc vĩ đại Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ.