KỶ NIỆM 232 NĂM NGÀY MẤT HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG (1792 - 2024), VỊ ANH HÙNG KIỆT XUẤT CỦA DÂN TỘC

Thứ hai - 26/08/2024 15:17 582 0
Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn thế kỷ XVIII gắn liền với sự nghiệp của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mà tiêu biểu là Nguyễn Huệ, vị anh hùng  kiệt xuất, trí dũng song toàn. Người đã đưa phong trào nông dân Tây Sơn trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hiển hách nhất trong lịch sử. Vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra “Tây Sơn Tam Kiệt”, với “ áo vải cờ đào” dựng nên triều đại Tây Sơn huy hoàng trong lịch sử.
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung
 Nguyễn Huệ lớn lên trong thời kỳ đầy biến động của đất nước. Lãnh thổ quốc gia bị chia cắt, ở Đàng Ngoài họ Trịnh lấn áp vua Lê, Đàng Trong Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân lầm than, nhân tâm ly tán. Lịch sử đã đặt nặng gánh lên vai ba anh em nhà Tây Sơn. Là những người nông dân áo vải, nhưng trong họ mang dòng máu quật khởi và ý chí phi thường. Tụ nghĩa từ vùng núi non hiểm trở Tây Sơn Thượng đạo (An Khê – Gia Lai), ngọn cờ đại nghĩa Tây Sơn đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và liên tiếp lập nhiều chiến công vang dội.
    Từ một thủ lĩnh nông dân kiệt xuất, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã trở thành một anh hùng dân tộc vĩ đại, một thiên tài quân sự, một danh tướng bách chiến bách thắng: Đánh Nguyễn, diệt Trịnh xoá bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm; đánh tan 5 vạn liên quân Xiêm – Nguyễn với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785) và đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (năm 1789), đại phá 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
     Quang Trung - Nguyễn Huệ không những là một nhà chính trị, quân sự thiên tài mà ông còn thể hiện trí tuệ kiệt xuất của mình trong công cuộc xây dựng đất nước sau thời gian dài bị chia cắt và chiến tranh ngoại xâm. Chiêu hiền đãi sĩ, thu phục nhân tâm, lãnh đạo đất nước trên các phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội và bang giao hữu nghị với các nước láng giềng, hòa nhập vào tiến bộ chung của nhân loại.
     Nhưng vị anh hùng từng đánh Nam, dẹp Bắc trải nhiều gian lao trên đường chinh chiến đã đột ngột băng hà vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (năm 1792). Vị anh hùng kiệt xuất đã ra đi, cả dân tộc đau xót mất đi đấng minh quân, một anh hùng với bao hoài bão còn dang dở.
      Trong 21 năm liền (từ 1771-1792) từ 18 tuổi đến 39 tuổi, Quang Trung – Nguyễn Huệ đã cống hiến tất cả tâm hồn, tài năng và nghị lực của mình cho cuộc đấu tranh vì lợi ích của dân tộc. Với chính nghĩa sáng ngời, tài năng và đức độ cao cả, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã tô điểm cho lịch sử nước nhà một trang vàng chói lọi. Sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ là khúc ca hùng tráng trong thiên anh hùng ca bất diệt của dân tộc, một bước tiến huy hoàng của lịch sử Việt Nam.
Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, nơi diễn ra Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung

     Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung được long trọng tổ chức theo nghi thức truyền thống vào ngày 29 tháng 7 âm lịch tại di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ là tưởng nhớ đến một lãnh tụ thiên tài, nhà quân sự kiệt xuất, một vị Hoàng đế anh minh đã hết lòng vì độc lập dân tộc, vì sự bình an, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần, khí chất, trí tuệ di sản vua Quang Trung mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Là nguồn cổ vũ động viên để tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa !
     Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung là dịp để cán bộ, người dân trong và ngoài tỉnh đến Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thắp nén hương tưởng nhớ, tôn vinh công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Năm nay, Lễ giỗ kỷ niệm 232 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Định long trọng tổ chức vào ngày 01/9/2024 (nhằm ngày 29 tháng 7 năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động ý nghĩa.

*Chương trình Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 232 năm (1792 – 2024):
- 16h00 – 17h00, ngày 31/8 (nhằm ngày 28/7 âm lịch) dâng hương, khấn cáo tại di tích Đài Kính Thiên (Bình Tường, Tây Sơn) và Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn Tam Kiệt tại di tích Gò Lăng - Phú Lạc.
- 8h00 ngày 01/9/2024 (nhằm ngày 29/7 âm lịch), Lễ dâng hoa cho các đoàn đại biểu và nhân dân tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung (Bảo tàng Quang Trung).
- 8h30 ngày 01/9/2024 (nhằm ngày 29/7 âm lịch), lễ dâng hương tại nhà Tiền tế và Tiền bái khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt.
- 9h00 ngày 01/9/2024 (nhằm ngày 29/7 âm lịch), Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 232 năm. Địa điểm: Nhà Thượng điện.  

Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao trong Lễ Giỗ:
1. Tổ chức Hội thi trang trí mâm lễ vật dâng cúng Vua Quang Trung.
- Thời gian: Ngày 31/8/2024 (nhằm ngày 28/7 âm lịch)
- Địa điểm: Bảo tàng Quang Trung.
- Đơn vị thực hiện: UBND huyện Tây Sơn chủ trì phối hợp với Bảo tàng Quang Trung.

2. Biểu diễn Lân sư rồng và Võ cổ truyền
- Thời gian: Đêm 31/8/2024 (nhằm ngày 28/7 âm lịch)
 - Địa điểm: Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung  
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tây Sơn.

3. Biểu diễn nghệ thuật truyền thống
- Thời gian: Đêm 01/ 9/ 2024 (nhằm ngày 29/7 âm lịch)
 - Địa điểm: Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung.
 - Đơn vị thực hiện: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn các vở Tuồng hoặc Ca kịch Bài chòi về Triều đại Tây Sơn.

Tác giả bài viết: Lê Hơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay181
  • Tháng hiện tại3,565
  • Tổng lượt truy cập41,944
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây