LỄ CÚNG TƯỞNG NIỆM THÂN PHỤ, THÂN MẪU TÂY SƠN TAM KIỆT

Thứ hai - 16/12/2024 11:09 110 0
Sáng ngày 14 tháng 12 năm 2024 (nhằm ngày 14/11 năm Giáp Thìn), tại Đền thờ Song thân Tây Sơn Tam Kiệt (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Bảo tàng Quang Trung long trọng tổ chức lễ cúng tưởng niệm thân Phụ, thân Mẫu Tây Sơn Tam Kiệt (ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng) bậc sinh thành ba anh em Nhà Tây Sơn.

Buổi lễ có sự tham gia của đồng chí: Tạ Xuân Chánh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể Thao Bình Định; Nguyễn Văn Thứ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện Tây Sơn; Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND Huyện cùng đại biểu Lãnh đạo các phòng, ban, ngành và bà con nhân dân đến dự.   
Ban nghi lễ thực hiện nghi thức cúng truyền thống 

 Với ý nghĩa thiêng liêng hướng về nguồi cội, các đồng chí đã thành kính thắp nén tâm hương tưởng nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của Song thân Tây Sơn Tam Kiệt để ba anh em Nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) trở thành những thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào nông dân Tây Sơn thế kỷ XVIII, lập nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Đại biểu thành kính dâng hương tưởng niệm
Song thân Tây Sơn Tam Kiệt
 
Đại biểu Lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định,
Lãnh đạo Huyện Tây Sơn dâng hương

Nếu Bình Định là mảnh đất ba anh em Nhà Tây Sơn sinh ra và lớn lên, thì Nghệ An lại là nơi có nhiều duyên nợ, nặng tình, nặng nghĩa với Quang Trung - Nguyễn Huệ. Quê cha đất tổ của Tây Sơn Tam Kiệt vốn là họ Hồ ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vào thế kỷ XVII, ông tổ bốn đời của Hoàng đế Quang Trung là Hồ Sỹ Anh bị chúa Nguyễn bắt vào Đàng Trong cùng nhiều tù binh khác đưa đi khai hoang, lập ấp vùng Tây Sơn Thượng đạo.  Đến đời ông Hồ Phi Phúc làm nghề buôn bán trầu trên sông Kôn, qua lại vùng Tây Sơn hạ đạo, gặp gỡ và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đồng rồi chuyển cư về quê vợ ở làng Phú Lạc, "Ký ngụ tại quê vợ, quê mẹ", theo Đại Nam nhất thống chí là tục lệ phổ biến của người Bình Định xưa.    
 Làng Phú Lạc thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Nơi đây còn di tích Gò Lăng là vườn cây và nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng. Đây là quê hương lập nghiệp của gia đình ông bà Hồ Phi Phúc và là quê hương thứ hai của họ Hồ ở Đàng Trong. Di tích Gò Lăng được xếp hạng cấp quốc gia ngày 16/11/1988.
Tấm bia giới thiệu di tích Lịch sử Gò Lăng

Một thời gian sau đó, để tiện việc làm ăn và mua bán, ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng lại chuyển cư về Kiên Mỹ gần bên bờ Sông Kôn, để vừa khai hoang làm ruộng vừa buôn bán. Cả ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ được sinh ra và lớn lên tại làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành của vùng đất Tây Sơn hạ đạo.
Di tích Gò Lăng có nhiều sự kiện liên quan đến Tây Sơn Tam Kiệt trong buổi đầu thu phục nhân tâm, xây dựng cuộc khởi nghĩa. Đó là những truyền thuyết, các câu chuyện truyền miệng mà người dân địa phương thường kể nhau nghe bao đời nay mặc cho sự trả thù của triều Nguyễn và chiến tranh tàn phá.
Sau khi nhà Tây Sơn mất (1802), triều Nguyễn Gia Long thực hiện chính sách trả thù tàn bạo; quê hương của người anh hùng áo vải không tránh khỏi sự hủy hoại và biến động. Nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc tại di tích Gò Lăng đã bị san bằng và trở thành mảnh đất trống không, chỉ còn vết tích nền nhà. Trên mảnh vườn cũ hiện còn một số cây cổ thụ: cây Thị, cây Thiên tuế…  Dưới triều Nguyễn, nhân dân Phú Lạc luôn tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền hiền, những anh hùng của quê hương, họ đã xây dựng miếu thờ Sơn Thần (Thần Núi) gọi là miếu Cây Thị, có người gọi miếu thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng tại khu vườn cũ. Hàng năm, cứ vào ngày 14/11 âm lịch, tại Đình làng Phú Lạc, nhân dân tổ chức ngày cúng Thường tân (tết cơm mới), trên danh nghĩa là thờ Thành Hoàng bản cảnh nhưng thực chất là để bí mật thờ cúng ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng và ba anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) với hình thức tưởng niệm hương hoa và mật cáo.
Miếu Cây Thị trong khuôn viên Di tích Gò Lăng

Tại Gò Lăng - Phú Lạc còn có di tích liên quan mật thiết với nhà Tây Sơn đó là Tấm bia đá và ngôi mộ cổ được nhân dân che dấu nhằm tránh sự trả thù của nhà Nguyễn. Qua nghiên cứu xác định tấm bia là của Lăng mộ Hiển tổ khảo (ông nội) của ba anh em nhà Tây Sơn, được Vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc phụng lập năm 1779. Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn Tam kiệt được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 13/12/2012.
Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn Tam Kiệt

Năm 2016,  thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đền thờ Song thân Tây Sơn Tam Kiệt được xây dựng trên nền nhà cũ của Song thân Tây Sơn Tam Kiệt với quy mô khang trang hơn. Nội thất bài trí 3 án thờ: chính giữa là án thờ Song thân Tây Sơn Tam Kiệt; bên phải là án thờ tổ tiên nội, ngoại; bên trái là án thờ Tây Sơn Tam Kiệt: Thái Đức - Nguyễn Nhạc, Quang Trung -  Nguyễn Huệ và Đông Định Vương Nguyễn Lữ.

Lễ cúng tưởng niệm Song thân Tây Sơn Tam Kiệt là dịp để tri ân công đức, giáo dục truyền thống lịch sử “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã khai đất, lập làng; tưởng nhớ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng bậc sinh thành của thủ lĩnh kiệt xuất Tây Sơn Tam Kiệt đã lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, thống nhất đất nước vào nửa cuối thế kỷ XVIII; qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
 

Tác giả bài viết: Lê Hơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay210
  • Tháng hiện tại1,284
  • Tổng lượt truy cập57,184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây