ĐỘI NHẠC VÕ BẢO TÀNG QUANG TRUNG THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT NHÂN KỶ NIỆM 235 NĂM NGUYỄN HUỆ LÊN NGÔI HOÀNG ĐẾ VÀ XUẤT BINH ĐẠI PHÁ QUÂN THANH TẠI DI TÍCH LỊCH SỬ NÚI BÂN, PHƯỜNG AN TÂY, THÀNH PHỐ HUẾ
Tối ngày 06/01/2024 (nhằm ngày 25/11 năm Quý Mão), tại Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ ở Núi Bân, phường An Tây. UBND thành phố Huế long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật tái hiện Lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung nhân kỷ niệm 235 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (1788-2023).
Cách đây 235 năm, vào ngày 22/12/1788 (tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân), tại núi Bân, danh tướng thiên tài Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất, rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc đại phá quân Thanh.
Với lối đánh chủ động, thần tốc, bất ngờ, đêm 30 Tết Kỷ Dậu năm 1789, Hoàng đế Quang Trung và đoàn quân Tây Sơn bắt đầu mở cuộc tiến công như vũ bão vào các vị trí cố thủ của địch; đến mờ sáng ngày mồng 5 Tết, đại quân Tây Sơn mở cuộc tổng tiến công vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa và giải phóng Kinh thành Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân xâm lược mãn Thanh, giữ vững nền độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Nếu trận Ngọc Hồi - Đống Đa là đỉnh cao bách chiến, bách thắng khiến cho quân Thanh phải kinh hồn bạt vía, thì núi Bân chính là nơi ghi dấu lịch sử của cuộc hành binh thần tốc, viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Sau thắng lợi lịch sử này, suốt hơn 10 năm (1789-1801) Phú Xuân là kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt thời Tây Sơn, là trung tâm chính trị, là nơi hội tụ nhân tài, vật lực và tinh hoa của cả đất nước; với niềm kiêu hãnh “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” vẫn còn âm vang và tồn tại mãi trên đất Phú Xuân - Thuận Hóa xưa và Thừa Thiên Huế ngày nay.
Núi Bân, phường An Tây, thành phố Huế đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia; nơi đây mãi mãi là địa chỉ linh thiêng, là niềm tự hào của nhân dân thành phố Huế và của dân tộc Việt Nam.
Lễ kỷ niệm gồm hai phần: Lễ dâng hương vào sáng ngày 06/01/2024 và chương trình nghệ thuật tái hiện Lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung vào tối ngày 06/01/2024. Chương trình nghệ thuật đặc biệt tái hiện Lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung đã được UBND Thành phố đầu tư quy mô, với lực lượng diễn viên hùng hậu, cùng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại, đặc sắc gồm 4 chương: Hội binh, Lễ lên ngôi, xuất binh - đánh trận, khúc khải hoàn, tái hiện toàn bộ sự kiện lịch sử lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung.
Mở đầu chương trình là phần Hội binh với màn biểu diễn trống trận Tây Sơn và múa cờ hội Tây Sơn của diễn viên Đội Nhạc võ Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn, Bình Định.
Trống trận Tây Sơn là di sản văn hóa phi vật thể thời Tây Sơn thấm đượm tinh thần thượng võ, mang khí phách hào hùng của dân tộc. Trống trận Tây Sơn không chỉ là hiệu lệnh, cổ vũ ba quân mà còn là những đòn thế tấn công, đánh thẳng vào tâm lý của quân thù góp phần làm nên đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Bộ trống sử dụng 12 chiếc tượng trưng thập nhị can chi với tiết tấu chia làm ba hồi: Xuất quân, xung trận hãm thành và khúc khải hoàn mừng chiến thắng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đ/c Phó Chủ tịch UBND Thành phố Huế - Trương Đình Hạnh khẳng định: “Lễ dâng hương và kỷ niệm 235 năm Anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ lên ngôi và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử có nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Huế đối với công lao hiển hách của vương triều Quang Trung, người anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào”; nơi đây là địa chỉ lịch sử, địa linh văn hóa hấp dẫn trên bản đồ du lịch Thành phố Huế và Việt Nam”.
Lễ kỷ niệm 235 năm lên ngôi của Hoàng Đế Quang Trung là dịp để thể hiện lòng thành kính, trân trọng những giá trị lịch sử của các bậc tiền nhân; tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung, vị lãnh tụ thiên tài, nhà quân sự kiệt xuất, một vị Hoàng đế anh minh đã hết lòng vì độc lập dân tộc, vì sự bình an, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần, khí chất, trí tuệ, di sản của Vua Quang Trung mãi mãi trường tồn cùng dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau./. Một số hình ảnh tại buổi lễ: