Lễ giỗ kỷ niệm 94 năm ngày mất cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (1929-2023) tại di tích huyện đường Bình Khê

Chủ nhật - 10/12/2023 18:14 151 0
Sáng ngày 09 tháng 12 năm 2023 (nhằm ngày 27 tháng 10 năm Quý Mão), Bảo Tàng Quang Trung long trọng tổ chức Lễ giỗ kỷ niệm 94 năm Ngày mất cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (1929-2023) tại di tích huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
       Dự Lễ giỗ có các đồng chí: Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định; Đ/c Nguyễn Văn Thứ, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Đ/c Bùi Văn Mỹ, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở, các cơ quan, phòng, ban, ngành, hội đoàn thể huyện Tây Sơn; Thường trực Đảng ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, UBMTTQVN xã Tây Giang, đại diện các lãnh đạo các trường học trên địa bàn xã và đông đảo người dân địa phương đến tham dự. Nhân dịp này, Đoàn khối các cơ quan tỉnh Bình Định về dâng hương tưởng nhớ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Quan cảnh tổ chức Lễ giỗ tại Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Lễ giỗ theo nghi thức truyền thống tại Đền thờ
Các đoàn đại biểu thành kính dâng hương
Đoàn khối các cơ quan tỉnh Bình Định dâng hương
       Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.Thời niên thiếu, anh thanh niên Nguyễn Sinh Sắc lớn lên trong cảnh nghèo khó, 3 tuổi mồ côi cha, 4 tuổi mồ côi mẹ phải về ở với người anh cùng cha khác mẹ. Nhà anh chị nghèo nên Nguyễn Sinh Sắc phải thường xuyên ngồi học trên lưng trâu nhưng bù lại cậu  học hành rất thông minh và chăm chỉ.
      Năm 16 tuổi, Nguyễn Sinh Sắc được nhà nho Hoàng Xuân Đường dẫn về làm con nuôi, cho ăn học và gả cô con gái đầu lòng là bà Hoàng Thị Loan. Năm 1894 cụ Sắc đỗ cử nhân. Năm 1901 đỗ Phó bảng nhưng lại từ chối làm quan trở về làng dạy học và sống hòa mình với dân nghèo. Tháng 5/1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế cử vào Ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Sau đó, đến ngày 01/7/1910 cụ được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê. Thời gian làm quan ở đây cụ thường đứng về phía dân nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý, trừng trị nghiêm khắc những bọn cường hào, ác bá, ức hiếp dân lành.
      Thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện Bình Khê cũng là thời điểm con trai của cụ là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Nam. Nguyễn Tất Thành đến thăm cha và ở lại Đồng Phó, Bình Khê và Quy Nhơn một thời gian. Bình Khê là nơi cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành có những ngày sum họp đẹp đẽ cuối cùng, mà còn là nơi bước đầu hình thành nhân sinh quan, thế giới quan của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên con đường giải phóng dân tộc. Cũng chính mảnh đất này đã chứng kiến cuộc chia tay lịch sử của hai cha con Bác Hồ, để rồi  người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước vào hành trình tìm đường  cứu dân, cứu nước và không bao giờ gặp lại Người cha kính yêu của mình nữa.
      Sau gần 7 tháng làm quan tri huyện Bình Khê, ngày 17/01/1910 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bị triều đình Huế bãi chức Tri huyện Bình Khê vì tội “lạm quyền” dẫn đến cái chết của điền chủ Tạ Đức Quang, một tên cường hào, ác bá ức hiếp nhân dân trong vùng. Sau vụ án này cụ bị giáng 4 cấp và bị triệu hồi về Huế. Sau đó được đổi thành “cải bổ kinh chức”, tức là đổi từ quan địa phương về làm quan ở Kinh Đô. Nhưng cụ Sắc đã kiên quyết từ chối làm quan, bí mật vào Nam để truyền bá và vận động phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.
       Rong ruổi qua nhiều tỉnh thành của miền Nam Bộ trong nhiều năm. Đến năm 1917, cụ Sắc được ông Lê Quang Hiển (1872-1950), một điền chủ yêu nước ở Cao Lãnh - Đồng Tháp mời về, cũng từ đây cơ duyên cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn bó sâu nặng với con người, mảnh đất làng Hòa An, Cao Lãnh để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho người dân. Đến năm 1927, cụ Nguyễn Sinh Sắc quyết định về ở hẳn Đồng Tháp trong sự che chở đùm bọc của bà con nhân dân xã Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Nơi đây cụ làm nghề dạy học và bốc thuốc trị bệnh cho dân nghèo. 
       Đến cuối năm 1929, vào rạng sáng ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ (tức là ngày 27 tháng 11 năm 1929), trái tim một đời thanh bạch của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã thực sự ngừng đập trong sự tiếc thương của bà con nhân dân xã Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Cụ Nguyễn Sinh Sắc qua đời hưởng thọ 67 tuổi, cụ đã để lại cho đời, cho hậu thế một nhân cách, một tâm hồn và cả một sự nghiệp còn dang dở.
Đoàn khối các cơ quan tỉnh Bình Định nghe thuyết minh tại nhà trưng bày
 
Đoàn khối các cơ quan tỉnh Bình Định chụp ảnh lưu niệm
     Lễ giỗ kỷ niệm 94 năm Ngày mất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1929-2023) là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời cũng là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người đã sinh thành, dưỡng dục cho Tổ quốc ta một danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

Tác giả bài viết: Tạ Châu Như Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay148
  • Tháng hiện tại3,532
  • Tổng lượt truy cập41,911
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây