LỄ HIỆP KỴ TÂY SƠN TAM KIỆT TẠI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỀN THỜ TÂY SƠN TAM KIỆT

Thứ hai - 16/12/2024 11:10 98 0
Nhằm tri ân và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Sáng ngày 15 tháng 12 năm 2024 (nhằm ngày 15 tháng 11 năm Giáp Thìn), tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt – Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Khối I, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Bảo tàng Quang Trung long trọng tổ chức lễ Hiệp kỵ ba anh em Nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ, những thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVIII đã lập nên những chiến công vang dội trong sự nghiệp đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài thống nhất đất nước.
Dự lễ giỗ có các đồng chí: Tạ Xuân Chánh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định; Nguyễn Văn Thứ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Sơn; Bùi Văn Mỹ, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Huyện; Đại Tá Văn Tấn Anh, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Quân sự Quốc gia II; Đại biểu lãnh đạo các cơ quan, phòng, ban, ngành của Huyện và bà con nhân dân đến dự.  
Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt
Lễ giỗ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, các đại biểu và nhân dân tỏ lòng thành kính thắp nén tâm hương tưởng niệm ba anh em Nhà Tây Sơn, những người con ưu tú của quê hương, đất nước.
Lễ giỗ thực hiện theo nghi thức truyền thống
 
Ban nghi lễ đọc văn tế ca ngợi sự nghiệp của Tây Sơn Tam Kiệt

Nói đến sự nghiệp lẫy lừng của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn thế kỷ XVIII là nói đến vai trò kiệt xuất của Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
 Thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào tình trạng suy thoái và khủng hoảng nghiêm trọng. Nạn cát cứ phân quyền, chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc, Lê -Trịnh - Nguyễn đẩy đất nước chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài. Chúa Trịnh thống trị Đàng Ngoài, chúa Nguyễn cát cứ Đàng Trong. Mâu thuẫn giai cấp diễn ra ngày càng sâu sắc. Tình trạng đó dấy lên nỗi bất bình, oán giận trong các tầng lớp xã hội và làm bùng nổ nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân trên khắp cả nước.
Tình hình chính trị - xã hội thế kỷ XVIII đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, chí hướng của ba anh em Nhà Tây Sơn. Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra và tồn tại trong một thời gian ngắn (1771 – 1802) nhưng đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mà tiêu biểu là Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị lãnh tụ kiệt xuất, người đã đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch các thế lực phong kiến cát cứ Lê -Trịnh -Nguyễn, xoá bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm; đánh tan 2 cuộc chiến tranh xâm lược của 5 vạn quân Xiêm lập nên chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang) ở Đàng Trong và 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh trong trận chiến Ngọc Hồi – Đống Đa ở Đàng Ngoài, thống nhất đất nước. Công tích và sự nghiệp vẻ vang của ba anh em Nhà Tây Sơn mãi được lưu truyền và ngưỡng vọng trong lòng dân tộc:                            
         “Thiên thu công tích Huynh hoà Đệ             
    Vạn cổ anh hùng dân khả Vương”
      
Tạm dịch:   
     Công tích ngàn đời có công anh lẫn công em 
   Anh hùng muôn thuở từ người dân có thể thành Vua
 
        “Phi thường sự nghiệp bi thiên cổ
                        Khoán thế anh hùng hữu nhất môn”  
         
        (Trích câu đối tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt)
Tạm dịch:  Ba anh em Tây Sơn là những bậc anh hùng hiếm có cùng ở một nhà và đã làm nên sự nghiệp phi thường tạc nên bia đá nghìn đời.
Đại biểu dâng hương tưởng nhớ công tích, sự nghiệp Nhà Tây Sơn
Sau khi nhà Tây Sơn suy vong, mặc dù với chính sách trả thù tàn bào của nhà Nguyễn, nhưng nhân dân làng Kiên Mỹ vẫn một lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với triều đại Tây Sơn. Năm 1823, người dân đóng góp công, góp của xây dựng ngôi Đình làng trên nền nhà cũ ông bà Hồ Phi Phúc – Nguyễn Thị Đồng (Song thân của ba anh em nhà Tây Sơn) để thờ Thần Thành Hoàng nhưng bí mật thờ cúng Tây Sơn Tam Kiệt.
Lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định, Lãnh đạo
huyện Tây Sơn dâng hương

Hiện nay, tại khuôn viên vườn nhà cũ của gia đình Tây Sơn vẫn còn hai di tích giá trị đó là cây Me cổ thụ và Giếng nước xưa.
Trong kháng chiến chống Pháp, Đình Kiên Mỹ bị đốt cháy, nhân dân lập Miếu nhỏ dưới gốc cây Me để bí mật thờ Ba ngài Tây Sơn. Năm 1958, nhân dân đóng góp xây dựng lại ngôi Đình trên nền nhà cũ, đổi tên là Điện Tây Sơn và chính thức thờ cúng công khai. Qua thời gian, Điện Tây Sơn bị xuống cấp. Năm 1998, công trình được được trùng tu, xây dựng lại. Năm 1979 di tích lịch sử - Khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia; Năm 2014 được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Thực hiện chủ trương nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Quang Trung, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thời Tây Sơn. Năm 2019, khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và được khánh thành năm 2022.
 Có ba nhà thờ chính:
♦Nhà Tiền Tế: thờ gia tiên Tây Sơn Tam Kiệt.
♦Nhà Tiền Bái: thờ Văn thần, võ tướng Nhà Tây Sơn: Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng, Trung Thư Lệnh Trần Văn Kỷ, Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Binh Bộ Thượng Thư Ngô Thì Nhậm.
♦Nhà Thượng điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt: Hoàng đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, Đông Định Vương – Nguyễn Lữ.
Ngày rằm tháng 11 hằng năm đã trở thành ngày Hiệp kỵ Tây Sơn Tam Kiệt thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân làng Kiên Mỹ nói riêng và cả nước nói chung. Lễ Hiệp kỵ Tây Sơn Tam Kiệt thể hiện sự tôn vinh, lòng biết ơn, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, đạo lý
“Uống nước nhớ nguồn”, của dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương. Từ đó xây dựng niềm tự hào cho các thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Các đại biểu thành kính hướng về Đền thờ dự lễ giỗ

Tác giả bài viết: Nguyễn Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay212
  • Tháng hiện tại1,286
  • Tổng lượt truy cập57,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây