LĂNG MỘ HIỂN TỔ KHẢO TÂY SƠN TAM KIỆT

Thứ ba - 10/10/2023 20:50 210 0
Di tích thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành,  huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 45 km về hướng Tây Bắc. Từ thị trấn Phú Phong, qua cầu Kiên Mỹ đến Bảo tàng Quang Trung, từ đây theo con đường bê tông liên thôn Phú Lạc về hướng Tây Bắc 2 km là đến di tích. Đây là Lăng mộ tọa lạc trên vùng đất Phú Thọ Chính, cách di tích Gò Lăng về hướng Đông Nam khoảng 200m.
    Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra hơn hai thế kỷ đã đẩy nhân dân Đại Việt về hai bên bờ sông Gianh giới tuyến. Sử quán triều Nguyễn ghi lại: Từ năm 1627 - 1672, hai bên Trịnh - Nguyễn đem quân đánh nhau bảy trận lớn. Năm 1655 là trận duy nhất họ Nguyễn chủ động đem quân vượt sông Gianh, tấn công vào khu vực lãnh thổ do họ Trịnh cai quản. Quân đội chúa Nguyễn chiếm được và làm chủ một vùng đất rộng lớn từ 7 huyện phía Nam sông Lam của đất Nghệ An trở vào và sau đó quân Nguyễn đã chủ động rút quân về. Khi rút quân, họ Nguyễn bắt nhiều tù binh và những nông dân nghèo như một chiến lợi phẩm đưa vào Nam để đi khai khẩn đất hoang với mục đích mở rộng đất đai, khai thác tài nguyên và củng cố quyền lực ở Đàng Trong. Trong số những người bị bắt, có người họ Hồ ở Hưng Nguyên (Nghệ An) là ông tổ bốn đời của ba anh em nhà Tây Sơn là ông Hồ Sỹ Anh được đưa lên ấp Tây Sơn “Nguyễn Văn Nhạc là người huyện Phù Ly thuộc Quy Nhơn. Tổ tiên vốn là người ở huyện Hưng Nguyên thuộc Nghệ An. Ông tổ bốn đời, vào khoảng niên hiệu Thịnh Đức triều Lê (1653-1657) bị quân ta bắt được đem về an trí ở ấp Tây Sơn nhất thuộc Quy Ninh. Cha Nhạc là Phúc dời sang ở ấp Kiên Thành thuộc huyện Tuy Viễn” (Đại Nam chính biên liệt truyện).
    Sau khi lên ngôi, tháng 2 năm 1779 Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc đã sắc chỉ cho chính quyền địa phương tu tảo phần mộ tổ tiên tại quê hương làng Phú Lạc, ấp Kiên Thành, trong đó có xây dựng Lăng mộ ông nội (Hiển tổ khảo) và truy tặng tước “Minh Triết Công”. Tuy nhiên, sau khi nhà Tây Sơn mất, nhà Nguyễn - Gia Long đã trả thù nhà Tây Sơn một cách tàn bạo, tại quê hương khu Sơn lăng cấm địa và nhà cũ của gia đình họ Hồ đã bị san bằng, riêng lăng mộ tổ đã có ai đó đục khoét một số chữ chính của văn bia  越 故 皇 顯 祖 考 (Việt cố Hoàng Hiển tổ khảo), bia lăng mộ được tháo gỡ đem chôn phía trước hậu đầu lăng mộ với mục đích che mắt chính quyền nhà Nguyễn để bảo vệ lăng mộ này.     
     Di tích lăng mộ được xây dựng với quy mô khá lớn, nghệ thuật kiến trúc trang trí Lăng rất phong phú về đề tài, chặt chẽ và hài hòa bố cục. Đây là công trình văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.  
Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn Tam Kiệt 
 Về hướng: Di tích Lăng mộ được táng theo hướng Bắc-Nam, đầu quay về hướng Bắc, chân hướng Nam với ý nghĩa nhắc nhở con cháu luôn nhớ về Tổ tiên, nguồn cội. Mặt khác, người xây dựng lăng mộ còn áp dụng thuật phong thủy theo kiểu tam thai, đầu tựa sơn, chân gối thủy.
Về kỹ thuật: Lăng mộ được xây dựng bằng vật liệu tam hợp (vôi, cát, mật đường) là một vật liệu phổ biến trong các loại hình kiến trúc xây dựng ở thế kỷ XVII, XVIII.
Về kiến trúc: Lăng mộ được thiết kế theo bình đồ hình chữ nhật khép kín, có kích thước: 9m x 8,5m, xây dựng theo kiểu “thượng đầu quy, hạ đầu thành”, có thành ngoại, thành nội cách nhau 0,4m, mặt thành ngoại (rộng 0,5m, cao 0,6m). Từ bia hậu đầu (1,8m x 1,7m), bờ thành ngoại uốn cong mãi về hai bên tạo nên 2 cột góc (vật trang trí bên trên không còn). Phía bên lưng còn sót lại mảng hoạ tiết hoa văn mây cuộn. Từ cột góc, bờ thành ngoại hạ thấp xuống và thẳng về phía trước 2,3m giáp với hai trụ biểu (0,7m x 0,7m x 1,6 m), trên đầu một trụ còn có một búp sen  cao 0,4m. Từ 2 trụ biểu này có hai bờ thành dài 1,1m vuông góc với thành ngoại về hướng Đông và Tây (mặt bên ngoài cùa bờ thành phía Tây còn sót lại một đoạn hoa văn chữ Triện). Phía trước mộ có khu vực sân tiền đường (rộng 3,12m, dài 8.5m) dùng làm nơi tế lễ; có hai trụ biểu (0,6 x 0,6 x 1m) ở góc ngoài sân tạo khuôn viên và sự cân đối, hài hoà cho mặt trước lăng mộ. Bờ thành nội (rộng 0,3m, cao 0,4m) kéo dài từ bia hậu đầu thẳng ra phía trước 2,3m và khép lại ôm lấy phần tấm bia đá của lăng mộ.Ở giữa chân mộ còn dấu vết chỗ cắm bia mộ. Phần mộ có hình dáng voi phục, chiều dài thân mộ 1,6m, thân mộ cách bờ thành nội mỗi bên là 0,9m.
    Bia mộ: Bia mộ là một bảng đá xanh lớn nặng khoảng 200-250 kg, có kích thước: cao 125cm, rộng 69cm, dày13cm; chân bia có mộng cắm vào đế đá bia của Lăng mộ với kích thước 20 x 45 x 13cm. Mặt bia có khắc chìm 3 dòng chữ Hán theo kiểu chữ chân rất đẹp và sắc sảo.
- Dòng chữ lớn ở giữa:  越 故 皇 顯 祖 考 剛 毅 謀 略 明 哲 公 之 陵 Việt cố Hoàng Hiển tổ khảo Cương nghị Mưu lược Minh triết Công chi lăng, có nghĩa là: Lăng mộ ông nội đã qua đời của nhà vua nước Việt, ông là một vị Minh triết, Cương nghị, Mưu lược (mỹ tự của nhà vua phong tặng cho ông nội).
    - Dòng chữ bên trái bia:  歲 次 己 亥 仲 春 穀 日 Tuế thứ Kỷ Hợi trọng xuân cốc nhật, nghĩa là: ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi (1779) .
  - Dòng chữ bên phải bia:  御 製 Ngự chế, nghĩa là nhà vua lập bia. Trên hàng chữ lớn ở giữa có dấu tẩy xóa một số chữ chính của văn bia “Việt cố hoàng hiển tổ khảo” trước khi chôn xuống đất.
    Phần đường diềm xung quanh bia rộng 10cm được chạm nổi 4 con rồng năm móng nối đuôi nhau theo kiểu “Lưỡng long tranh châu”. Riêng phần đáy đường diềm thì chạm nổi hoa văn thủy ba (lượn sóng).
Tấm bia mộ tổ Tây Sơn Tam Kiệt
(đang trưng bày tại BTQT)
 
    Trên cơ sở khảo chứng về gia hệ Tây Sơn và sự kiện lịch sử, các nhà nghiên cứu đã đi đến xác định Bia của Lăng mộ Hiển Tổ Khảo Tây Sơn Tam Kiệt do Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc xây dựng vào ngày lành tháng 2 năm Kỷ Hợi (1779).
   Hiện nay, di tích tọa lạc trên khu đất rộng 794,3m2. Phía Tây tiếp giáp với đường liên xóm ngang qua cánh đồng Phú Lạc; Phía Bắc tiếp giáp với mương nổi Văn Phong; phía Đông và Nam là đồng ruộng. Đây là di tích lịch sử thời Tây Sơn, một chứng cứ lịch sử về dòng tộc họ Hồ còn tương đối nguyện vẹn trên quê hương người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Sự hiện diện của di tích Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn Tam Kiệt là một dấu tích vật chất minh chứng cho niềm tự hào và sức sống mãnh liệt của nhà Tây Sơn trong lòng người dân trước sự trả thù tàn bạo của nhà Nguyễn - Gia Long.        
     Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn Tam Kiệt được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh ngày 13/12/2014. Di tích đã trở thành điểm đến cho du khách trong và ngoài nước hành hương về nguồn, tưởng nhớ công đức những người có công sinh thành các vị anh hùng dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.                          
                               

Tác giả bài viết: Nguyễn Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay191
  • Tháng hiện tại3,575
  • Tổng lượt truy cập41,954
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây