CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LĂNG MAI XUÂN THƯỞNG

Thứ tư - 22/05/2024 20:48 259 0
  Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai Nguyên soái dựng cờ đánh Tây
Là câu ca quen thuộc của nhân dân Bình Định thường nhắc đến để tưởng nhớ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng, người lãnh đạo và là linh hồn của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX ở Bình Định. 
     Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân 1860, mất năm Đinh Hợi 1887, người thôn Phú Lạc, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha là Mai Xuân Tín làm Bố chánh ở Cao Bằng, mẹ là Huỳnh Thị Nguyệt, con của một nhà quyền quý trong làng. Mai Xuân Thưởng vốn là người thông minh, ham học, năm 18 tuổi (1878), ông đỗ Tú tài tại Trường thi Bình Định; năm 25 tuổi (1885), thi đỗ Cử nhân. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Mai Xuân Thưởng về quê Phú Lạc, chiêu mộ nghĩa binh, lập căn cứ ở Hòn Sưng dựng cờ Cần Vương chống Pháp.
     Lúc này, tại Bình Định, Đào Doãn Địch, một Tổng đốc hưu trí, đã tập hợp các sĩ phu lãnh đạo nhân dân đánh chiếm thành Bình Định, sau đó do vũ khí thô sơ, nghĩa quân lại chưa có kinh nghiệm nên thành Bình Định bị quân Pháp chiếm lại. Đào Doãn Địch kéo quân lên Bình Khê và Mai Xuân Thưởng đem toàn bộ lực lượng của mình gia nhập vào nghĩa quân, được Đào Doãn Địch phong giữ chức Tán lương quân vụ (phụ trách về lương thực của nghĩa quân). Ngày 20 tháng 9 năm 1885, Đào Doãn Địch mất, giao toàn bộ lực lượng cho Mai Xuân Thưởng. 
       Ông chọn vùng núi Lộc Đổng (nay thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) làm đại bản doanh và tổ chức lễ tế cờ, truyền hịch kêu gọi sỹ phu, văn thân, nhân dân tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Trong buổi lễ ấy, nghĩa quân nhiều vùng trong tỉnh Bình Định đã suy tôn ông làm Nguyên soái lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và nêu cao khẩu hiệu: “Tiền sát tả, hậu đả Tây”. Kể từ đó cho đến năm 1887, phong trào Cần Vương ở Bình Định phát triển mạnh mẽ. Nghĩa quân xây dựng nhiều căn cứ như: mật khu Linh Đổng, căn cứ Hầm Hô, căn cứ Nam trại, Bắc trại, thứ Hương Sơn, kho lương (Tiên Thuận) và căn cứ núi Chóp Chài (huyện Phù Mỹ)…, kiểm soát hầu hết tỉnh Bình Định và liên kết với nghĩa quân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận... đánh chiếm các tỉnh thành.                  Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của nghĩa quân, đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Trung tá Cherrean và quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy cùng với Công sứ Tirant, đã mở cuộc tấn công lớn lên các khu căn cứ phía Bắc tỉnh và Đại bản doanh của phong trào Cần Vương Bình Định. Cuộc chiến đấu không cân sức, cuối cùng lực lượng khởi nghĩa bị đẩy lùi. Giữa tháng 4 năm 1887, hầu hết các căn cứ của nghĩa quân đã bị Pháp đánh chiếm. Cuối cùng Mai Xuân Thưởng bị giặc bắt, không khuất phục được ông, thực dân Pháp và tay sai đưa ông ra xử trảm tại Gò Chàm (phía đông Thành Bình Định) vào ngày 6 tháng 6 năm 1887 (nhằm ngày 15/4 năm Đinh Hợi). Trước khi mất, ông đã ngẩng cao đầu đọc vang bài thơ thể hiện khí tiết của người chiến sĩ vì nghĩa lớn cứu dân giúp nước:
“Chết nào có sợ, chết như chơi,
Chết bởi vì dân, chết bởi thời.
Chết hiếu chi nài xương thịt nát,
Chết trung bao quản cổ đầu rơi.
Chết nhân tiếng để vang nghìn thuở,
Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời.
Thà chịu chết vinh, hơn sống nhục
Chết nào có sợ, chết như chơi”.  
      Sau đó, ông được nhân dân đưa về mai táng tại xứ Cây Muồng, thôn Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Công lao kia rực sáng giữa sơn hà
Khí phách ấy soi cao cùng nhật nguyệt!  
     Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi đứng lên đánh giặc cứu nước, phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bình Định dưới sự lãnh đạo của nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng đã phát triển mạnh mẽ, lan rộng trong cả tỉnh và liên kết với các tỉnh lân cận, làm cho bộ máy cai trị của Pháp và tay sai ở Bình Định khốn đốn, lung lay. Tuy cuộc đấu tranh của phong trào Cần Vương ở Bình Định bị đàn áp khốc liệt, nhưng đã khơi dậy trong quần chúng nhân dân truyền thống quật cường, tinh thần yêu nước sâu sắc, để tiếp nối về sau là các cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và Trần Cao Vân năm 1898; cuộc vận động Duy Tân của Tăng Bạt Hổ (1904 - 1908) và phong trào chống thuế ở Trung kỳ năm 1908. Ngày 22 tháng 01 năm 1961, nhân dân Tây Sơn đã làm lễ cải táng Mai Nguyên soái từ Phú Lạc về nhập Lăng mộ ở thôn Hòa Sơn - căn cứ Lộc Đổng mà lúc sinh thời, ông dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp. 
     Di tích Lăng mộ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng tọa lạc trên ngọn đồi cao của dãy núi Ngang (thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về hướng Tây Bắc. Lăng mộ được xây dựng trên khu đất rộng 1.988m2, khánh thành ngày 22 tháng 01 năm 1961. Về tổng thể, Lăng được thiết kế theo kiểu lăng mộ cổ, xung quanh có thành thấp bao bọc. Cổng Lăng (tam quan) là 4 trụ vuông, phía trên thắt lại theo kiểu bầu lọ mang dáng dấp kiến trúc cổng đình, miếu cuối thế kỷ XIX. Sau cổng là khoảng sân rộng 40m2 (4m x 10m), tiếp đến là 27 bậc cấp lát đá granit, hai bên có lan can đắp nổi hình sống trâu. Lên hết 27 bậc cấp là sân trước Lăng rộng 40m2 (5m x 8m), có lan can xung quanh. Từ sân vào đến nền Lăng giật lên 4 bậc cấp. Nhà Lăng được thiết kế theo bình đồ hình chữ nhật, kiểu hai tầng mái, lợp ngói tây, bờ nóc đắp “Lưỡng long tranh châu” cách điệu. Kết cấu kiến trúc bên trong đơn giản, nền lát gạch xi măng tráng men, giữa nhà Lăng là mộ phần Mai Xuân Thưởng hình khối chữ nhật, phần trên đắp dạng mái nhà, xung quanh ốp lớp đá ganito màu xanh, quay theo hướng Đông - Tây. 
Phía chân mộ, có mộ chí ghi dòng chữ:
“Đây an nghỉ bên lòng người Việt Nam yêu nước
Nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng
Ứng hùng năm Canh Thân (1860)
Tuẫn quốc năm Đinh Hợi (1887).”
      Phía đầu mộ, dựng tấm bia đá khắc bài ký ghi tiểu sử và sự nghiệp của Mai Xuân Thưởng, do nhà thơ Quách Tấn phụng soạn.
     Lăng Mai Xuân Thưởng là một di tích lịch sử lưu niệm danh nhân - nơi các thế hệ con cháu thành kính tưởng nhớ, tri ân công đức nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng, nhà lãnh đạo, linh hồn của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bình Định vào cuối thế kỷ XIX -  người con ưu tú của quê hương và dân tộc. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 20 tháng 4 năm 1995.  
     Nhằm tôn vinh công đức Mai Xuân Thưởng -  nhà yêu nước đã anh dũng hy sinh trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Năm 2014, UBND tỉnh Bình Định đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo khu di tích Lăng Mai Xuân Thưởng gồm các hạng mục: Trùng tu Lăng mộ, xây mới Đền thờ - sân vườn, nhà ban quản lý và hệ thống tường rào, cổng, ngõ trên diện tích khu đất rộng 3.497m2. Công trình được khởi công ngày 12/8/2014 và khánh thành ngày 07/8/2016. 
     Đền thờ có diện tích 328m2 gồm ba gian, hai chái, kết cấu bê tông cốt thép, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch men màu đỏ, cửa bàn pha bằng gỗ lim, xung quanh hè có lan can bao bọc. Nội thất đặt 4 án thờ: Án thờ Công đồng gia tiên đặt phía trước từ cửa chính bước vào, thờ tiên tổ các đời của tộc họ Mai. Bên trái và bên phải án thờ là hai hương án, trên có đặt bài vị thờ thân phụ, thân mẫu ông; bài vị thờ các tướng lĩnh, nghĩa quân dưới quyền. Án thờ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng nằm ở phía trong hậu cung, phía trước án có cặp liễn đối khảm trai: 
Ứng nghĩa Cần Vương, gươm khí phách dọc ngang rền đất Việt
Vì dân cứu quốc, chí anh hùng sau trước rợp trời Nam.
     Sân trước Đền thờ diện tích 467m2, lát đá granit phục vụ tổ chức các nghi thức lễ, phần còn lại xung quanh lát gạch block - diện tích 1.096m2. Giữa sân trước Đền thờ là trụ cờ cao 12 mét.
     Năm 2020, Nhà nước đã đầu tư làm mới tường rào, cổng ngõ, kết hợp với việc mở rộng con đường rải thảm nhựa 12m kết nối với các điểm di tích Đài Kính Thiên, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô dẫn ra Quốc lộ 19… Việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đã góp phần gìn giữ các giá trị di tích, làm cho bộ mặt di tích ngày càng khang trang, hoàn thiện, tạo điều kiện phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.
      Qua nhiều năm quản lý, Bảo tàng Quang Trung đã thực hiện tốt chức năng bảo tồn và và phát huy giá trị di tích, tạo một không gian trang nghiêm trong việc thờ tự, một cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Trong công tác truyên truyền giáo dục, Bảo tàng Quang Trung chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành, địa phương sử dụng các hình thức truyền thống như xây dựng hệ thống bảng chỉ dẫn trên các trục đường và giao lộ chính, sử dụng băng-rôn, pa-nô…, ứng dụng công nghệ quét mã QR hỗ trợ khách tham quan tìm hiểu về nội dung lịch sử di tích. 
     Hàng năm, vào ngày 14 tháng 4 âm lịch, chính quyền địa phương cùng Bảo tàng Quang Trung long trọng tổ chức lễ giỗ,  tưởng niệm ngày mất nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng tại di tích.
   Sáng ngày 21.5.2024 (nhằm ngày 14.4 âm lịch), UBND huyện Tây Sơn cùng Bảo tàng Quang Trung long trọng tổ chức lễ giỗ, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 137 năm ngày mất nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng (1887 - 2024).
   Trong không khí trang nghiêm, các cấp, các ngành, tộc họ Mai cùng đông đảo học sinh, du khách dâng hoa, dâng hương tại Lăng mộ và dâng hương tại Đền thờ. Mọi người cùng ôn lại lịch sử hào hùng của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bình Định cuối thế kỷ XIX dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng. Hoạt động chống Pháp của nghĩa quân không chỉ ở Bình Định, mà còn mở rộng ra các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Gương kiên trung, anh dũng cùng đức hy sinh của nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng là niềm tự hào của cán bộ và nhân dân huyện Tây Sơn nói riêng, Bình Định nói chung. Việc tổ chức Lễ tưởng niệm ngày mất của ông đã trở thành truyền thống của địa phương, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông đối với thế hệ mai sau.

     Di tích Lăng Mai Xuân Thưởng kết hợp cùng Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích lịch sử Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Đền thờ song thân Tây Sơn Tam Kiệt, Đền thờ Đô Đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng... tạo thành một quần thể di tích văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến Bình Định, là điểm đến học tập của học sinh các cấp trong các ngày hè, ngày lễ… Hàng năm, các di tích đã tiếp đón hàng chục vạn lượt khách trong, ngoài nước tham quan, nghiên cứu học tập, tưởng nhớ, tri ân công đức các vị anh hùng dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
    Một số hình ảnh trong Lễ giỗ
Lễ dâng hoa tưởng niệm nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng
 
 
Ban nghi lễ thực hiện nghi thức giỗ truyền thống
 
Các đoàn đại biểu thành kính dâng hương tại Lăng mộ nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng
Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ

Tác giả bài viết: Nguyễn Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay168
  • Tháng hiện tại3,552
  • Tổng lượt truy cập41,931
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây