Ngày 06 tháng 12 năm 2024 (nhằm ngày mùng 6/11 âm lịch năm Giáp Thìn), kỷ niệm 222 năm Ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 - 2024), chúng ta cùng ôn lại một thuở hào hùng, oanh liệt của phong trào Tây Sơn và bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính nhớ về nữ tướng Tây Sơn, một đời vì dân, vì nước.
Đô đốc Bùi Thị Xuân là nữ tướng triều Tây Sơn. Bà sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước ở làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cuộc đời và sự nghiệp của Bà gắn liền với những chiến công hiển hách và thăng trầm của triều Tây Sơn.
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đầy biến động và bão táp của đất nước, trong bối cảnh loạn lạc, đất nước bị chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài, các thế lực phong kiến tranh giành địa vị đẩy đời sống nhân dân vào cảnh khốn cùng. Năm 1771, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, có sức thu hút và lan toả rộng khắp. Lần đầu tiên, những người nông dân làm nên sự nghiệp lẫy lừng chưa từng có trong lịch sử, xây dựng một triều đại huy hoàng - Triều Tây Sơn. Một triều đại đã để lại âm hưởng hào hùng trong bản anh hùng ca dựng nước và giữ nước của dân tộc và đã để lại cho đất nước những nhân tài kiệt xuất, đó là: Tây Sơn Tam Kiệt cùng những văn thần võ tướng tài ba như: Đô Đốc Bùi Thị Xuân, Thiếu Phó Trần Quang Diệu, Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Binh bộ Thượng thư Ngô Thời Nhậm, Đại tư mã Ngô Văn Sở,... và không ít người trong số họ đã trở nên bất tử với cái chết kiên trung vì nghĩa lớn. Là người con ưu tú của quê hương Tây Sơn, Bình Định, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu khởi nghiệp, là vị anh thư hết lòng giúp nhà Tây Sơn làm nên nghiệp lớn. Tinh thông võ nghệ, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng, có tài luyện voi, cầm quân ra trận: Năm 1771, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào Tây Sơn và được Nguyễn Nhạc giao trọng trách thuần dưỡng voi chiến, huấn luyện tân binh. Chỉ trong một thời gian ngắn Bà đã huấn luyện thuần thục hàng trăm voi chiến (theo một số tài liệu thì dưới quyền bà có 5.000 nữ binh và 200 thớt voi, nhiệm vụ chính là bảo vệ Hoàng thành). Đội tượng binh của Bà sau này đã gây bao nỗi kinh hoàng, khiếp đảm cho quân thù, góp phần quan trọng vào chiến công vang dội của đội quân áo vải Tây Sơn trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử xuân Kỷ Dậu năm 1789, gắn liền với tên tuổi sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Dưới ngọn cờ đại nghĩa của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, ông đã phát huy đầy đủ trí tuệ và tâm lực của các nhân tài góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Vì thế, dưới trướng của ông không chỉ có "Tây Sơn Thất hổ tướng" mà còn có "Tây Sơn Ngũ phụng thư". Tây Sơn Ngũ phụng thư là danh hiệu của năm phụ nữ nổi bật của nhà Tây Sơn, gồm có: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Bùi Thị Dung.
Theo “Cân quắc anh hùng truyện”, Nguyễn Bá Huân viết về Bùi nữ tướng: “Chẳng cam phận gái yếu hèn, nuôi chí cả sánh vai quân tử; Mắt trừng voi, voi sợ; Gươm chỉ cọp, cọp lùi; Thuở thiếu thời đang độ anh thư, đã nổi tiếng là trang kiếm khách; Tương truyền: Giết cọp giữa rừng sâu, cứu phu tướng khi còn là tráng sĩ; Sử chép: Dạy voi trên bãi tập, gộp tượng binh thành khối thép tiền quân; Trần tướng công yên ngựa lẫy lừng, Bùi Đô Đốc bành voi giong ruổi; Non nước đã gom về một mối, vai chồng vai vợ đều nặng quằn gánh vác giang san”. Năm 1778, Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc phong Bà chức Đô đốc chỉ huy quân cấm vệ bảo vệ kinh thành Hoàng Đế.
Năm 1785, tham gia những trận chiến Đàng Trong góp phần làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vang đội, tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược.
Từ 1786 đến 1792, Bùi Thị Xuân cùng chồng là Thiếu phó Trần Quang Diệu, dưới lá cờ đại nghĩa Tây Sơn đã cùng Nguyễn Huệ nhiều lần vào Nam ra Bắc tiêu diệt các thế lực phong kiến cát cứ Lê - Trịnh - Nguyễn xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm.
Năm 1792, sau khi Vua Quang Trung băng hà, Đô đốc Bùi Thị Xuân được Vua Cảnh Thịnh giao giữ trọng trách chỉ huy đạo quân cấm vệ bảo vệ kinh đô Phú Xuân. Năm 1802, dù nhà Tây Sơn trên bước đường thất thủ, Bà vẫn giữ vai trò chỉ huy đến cùng, lãnh đạo 5.000 quân trong trận đánh ở Lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) khiến quân Nguyễn Ánh vô cùng khiếp sợ, nhưng cuối cùng vì tương quan lực lượng, Bà đã sa vào tay giặc và bị áp giải về Phú Xuân hành quyết. Ngay khi đối diện với cái chết, Bùi Thị Xuân vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, đón nhận cái chết trước pháp trường như những người tuẫn tiết vĩ đại, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân.
Sóng gào biển Nại
Mây phủ non Tây
Gương anh hùng chiếu giữa Vân Đài
Bia nữ kiệt hiên ngang cùng tuế nguyệt !Bùi Thị Xuân là một nữ kiệt, tài sắc vẹn toàn, can trường tiết liệt. Với tấm lòng yêu nước, kiên trung, Bà cùng chồng là Thiếu phó Trần Quang Diệu đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm thống nhất nước nhà vào cuối thế kỷ XVIII, một thời kỳ đầy biến động và bão táp của đất nước. Tên tuổi của Bà đã đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Bà mất ngày 30/11/1802 (ngày mùng 6/11 âm lịch năm Nhâm Tuất) tại Phú Xuân (Huế).
Sau khi nữ tướng Bùi Thị Xuân mất, mặc cho sự trả thù của triều Nguyễn Gia Long, con cháu họ Bùi vẫn tổ chức ngày giỗ của Bùi nữ tướng vào ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch. Tên tuổi và hình ảnh của vị Nữ tướng Bùi Thị Xuân mãi tỏa sáng trong lòng dân tộc. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch, Lễ giỗ của Bà được Bảo tàng Quang Trung tổ chức long trọng theo nghi thức truyền thống tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), mảnh đất quê hương nơi sinh ra và lớn lên của Nữ tướng để bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân. Tưởng nhớ Đô đốc Bùi Thị Xuân là tưởng nhớ một vị nữ tướng anh hùng đã hết lòng vì độc lập dân tộc, vì sự bình an, hạnh phúc của nhân dân!